Bán lẻ truyền thống “đại chiến” thương mại điện tử trong ngày Black Friday

(Dân trí) - Để không phải chen lấn, xô đẩy nhưng vẫn có được món hàng yêu thích với một mức giá “hời”, nhiều người đã lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến trong ngày mua sắm giảm giá Black Friday (Thứ Sáu Đen). Tuy nhiên, nhiều hệ thống bán lẻ cũng đã tìm mọi cách để lôi kéo người dùng đến cửa hàng của mình trong dịp mua sắm sôi động này.

Có nguồn gốc từ nước Mỹ trước khi lan sang các nước phương Tây và giờ đây đã trở nên phổ biến trên toàn cầu (trong đó có cả Việt Nam), Black Friday (Thứ Sáu Đen) được xem là “ngày vàng mua sắm” khi hàng chục ngàn mặt hàng được giảm giá rất nhiều so với mức giá gốc.

Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (rơi vào ngày thứ năm lần thứ 4 trong tháng 11), là dịp để các nhãn hiệu, hệ thống bán lẻ... đồng loạt giảm giá sản phẩm của mình để mở màn cho dịp mua sắm cuối năm trước khi kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới bắt đầu. Ngày Black Friday năm nay diễn ra vào ngày 23/11.

Dịp Black Friday là dịp có sức mua lớn nhất trong năm. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Adobe Analytics, tính riêng trong ngày Black Friday của năm 2017 đã đạt được tổng doanh số bán hàng 8 tỷ USD tại Mỹ. Trong số các mặt hàng được giảm giá thì các loại thiết bị điện tử như TV, máy chơi game, laptop hay smartphone... luôn là những danh mục sản phẩm được chọn mua nhiều nhất trong ngày Black Friday.

Dù nhiều trang thương mại điện tử cũng đã tham gia bán hàng giảm giá trong ngày Black Friday, nhiều người vẫn lựa chọn cách mua sắm tại các siêu thị và hệ thống bán lẻ (Ảnh minh họa)
Dù nhiều trang thương mại điện tử cũng đã tham gia bán hàng giảm giá trong ngày Black Friday, nhiều người vẫn lựa chọn cách mua sắm tại các siêu thị và hệ thống bán lẻ (Ảnh minh họa)

Hình ảnh những hàng người chen chúc, chờ đợi trước các hệ thống bán lẻ vào trước ngày Black Friday để có thể nhanh tay lựa chọn được những món hàng giảm giá ưng ý đã trở nên quen thuộc tại Mỹ và nhiều nước khác. Thậm chí không ít cuộc đụng độ và bạo lực xảy ra chỉ để tranh giành được món hàng giảm giá ưng ý nhất, khi số lượng hàng giảm giá chỉ giới hạn.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển của Internet và các trang thương mại điện tử, giờ đây Black Friday không còn là “cuộc chơi” của những hệ thống bán lẻ mà còn có sự tham gia của các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Best Buy hay eBay...

Vào dịp Black Friday, các trang thương mại điện tử lớn, nhỏ ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đều đồng loạt đưa ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn để lôi kéo người dùng mua sắm trực tuyến. Nhiều người dùng cũng đã có lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử vào dịp Black Friday để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy hay thậm chí phải tranh giành xảy ra tại các hệ thống bán lẻ.

Tuy nhiên các hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ cũng không dễ dàng gì để mất đi khách hàng của mình vào dịp mua sắm quan trọng này về tay các trang thương mại điện tử nên đã áp dụng nhiều biện pháp để lôi kéo khách hàng đến với mình, bao gồm cả việc áp dụng những biện pháp công nghệ tương tự như các trang thương mại điện tử.

Nhiều siêu thị và hệ thống bán lẻ đã tích cực quảng cáo các mặt hàng giảm giá trong ngày Black Friday trên các trang mạng xã hội hoặc thông qua các ứng dụng di động do mình phát triển để tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Thậm chí các siêu thị và hệ thống bán lẻ cũng dành ra một số lượng hàng giảm giá cho phép người dùng mua trực tuyến trên trang web của mình trong một khoảng thời gian diễn ra ngày mua sắm Black Friday, không khác gì các trang thương mại điện tử.

Chẳng hạn với Walmart, hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới, đã xây dựng nên ứng dụng di động của riêng mình để dành cho ngày Black Friday, với tính năng cho phép những người mua số lượng hàng ít có thể tự tính tiền thông qua ứng dụng di động, thay vì phải xếp hàng chờ tại quầy tính tiền. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian mua sắm và cắt ngắn hàng chờ trong ngày Black Friday khi số lượng người mua sắm tăng đột biến.

Walmart cũng trang bị tính năng trên ứng dụng di động của mình để dễ dàng tìm kiếm những vị trí có hàng giảm giá trong ngày Black Friday tại các siêu thị của hãng giúp việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn.

Một điều đáng chú ý, dù thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích hơn, nhiều người dùng vẫn yêu thích mua sắm trực tiếp tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ vào ngày mua sắm giảm giá Black Friday bởi lẽ họ sẽ được tận tay trải nghiệm sản phẩm thực tế thay vì chỉ có thể xem sản phẩm qua mạng và đặc biệt sẽ tận hưởng được không khí của ngày mua sắm giảm giá, là dịp mà mỗi năm chỉ có một lần.

Doanh số bán hàng Black Friday ngày càng tăng nhờ smartphone

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Makerting nước Mỹ (AMA) cho thấy rằng doanh thu của các hãng bán lẻ và các trang thương mại điện tử trong ngày Black Friday ngày càng tăng nhờ vào sự phổ biến của smartphone và các đơn đặt hàng trực tuyến.

AMA cho biết tính riêng tại Mỹ, trong ngày Black Friday của năm 2017, người dùng di động đã chi ra 1,4 tỷ USD, tăng từ mức 1,2 tỷ USD của ngày Black Friday cách đó một năm, để mua sắm trực tuyến. Tổng doanh thu của 5 trang web bán hàng trực tuyến có doanh thu cao nhất trong dịp Black Friday năm ngoái là 21,27 triệu USD, trong đó Amazon.com là trang web có doanh thu lớn nhất với 7,95 triệu USD, tiếp theo là Walmart.com (4,15 triệu USD), BestBuy.com (3,75 triệu USD), Target.com (2,85 triệu USD) và Apple.com (2,57 triệu USD).

Có thể thấy, với sự phát triển của smartphone cùng với Internet, ngày Black Friday đã trở thành một “cuộc chiến” giữa các kênh bán lẻ truyền thống và các trang thương mại điện tử, với rất nhiều hình thức giảm giá và khuyến mãi khác nhau, nhưng trên hết, người hưởng lợi vẫn là khách hàng khi có nhiều sự lựa chọn và có thêm nhiều cơ hội để sở hữu những món hàng mình muốn với một mức giá ưu đãi.

T.Thủy