Bài cuối: Hãy là người dùng Facebook thông minh

Tính tương tác cao, nên nhiều loại tội phạm đang lợi dụng mạng xã hội Facebook để mở rộng đất làm ăn. Đáng kể là các loại tội phạm buôn bán người, tổ chức mại dâm, buôn bán chất gây nghiện, tiền chất ma túy.

Thông tin có thể trao đổi qua Facebook rất phong phú nên thông qua kênh này, tội phạm dễ dàng hơn trong việc móc nối, dụ dỗ nạn nhân tham gia các đường dây tội phạm, tệ nạn. Tội phạm mại dâm cũng coi Facebook là nơi dễ dàng "tiếp thị"... Bên cạnh đó, nhiều người bây giờ có xu hướng tự PR cho chính bản thân mình, hay thậm chí là khoe thân theo đúng nghĩa đen…

Không chỉ các loại tội phạm mới, tội phạm truyền thống cũng bắt đầu sử dụng mạng xã hội là phương tiện để gây án. Ngày 5/9 vừa qua, tên trộm Ngô Văn Minh, 20 tuổi, trú tại xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã bị Công an huyện Sóc Sơn bắt giữ và tạm giam về hành vi trộm cắp. Đối tượng đã thông qua các trang mạng để tìm kiếm, nghiên cứu mọi thông tin về căn biệt thự của gia đình ca sĩ Đ.M.L và nhạc sĩ T.A.Q, sau đó tiến hành trộm cắp tài sản.

Mặt khác, thế giới ảo Facebook cũng là nơi thường xuyên nảy sinh những mâu thuẫn qua lời nói, dẫn đến những vụ ẩu đả trong thực tế, gây hậu quả không hề nhỏ, thậm chí xảy ra án mạng... Đầu tháng 8 vừa qua, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an đã được huy động đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) để giải tán đám đông hàng trăm người gây náo loạn, chỉ vì lời chê bai nhan sắc của nhau, thách đố giải quyết xích mích trên Facebook giữa hai cô gái V.H.T.V và H.V. có lượng người theo dõi lớn…

Mặc dù pháp luật đã quy định rõ, việc tung tin đồn thất thiệt, có nội dung sai sự thật trong đời thực cũng như trên mạng xã hội đều là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng với sự phát triển mạnh và tốc độ lan truyền như vũ bão của mạng xã hội Facebook hiện nay, việc tung tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí cố ý bôi nhọ, xúc phạm người khác đã và đang gây ra những hậu quả tai hại cho nhiều cá nhân, tổ chức. Nhiều doanh nghiệp bỗng chốc điêu đứng khi bị người tiêu dùng quay lưng mà chẳng biết vì sao. Thậm chí, vì một thông tin sai lệch có thể "bóp chết" cả một doanh nghiệp.

 
Bài cuối: Hãy là người dùng Facebook thông minh - 1

Một cuộc khẩu chiến trên Facebook gây náo loạn đường phố Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) khiến Công an phải huy động lực lượng giải tán.

Như vậy, các diễn đàn mạng đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp. Đáng báo động hơn, gần đây, không ít thành viên của mạng xã hội này và một số trang tin điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài trở thành kênh truyền thông, kết nối liên lạc của các đối tượng có âm mưu nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi xấu chế độ, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp... khiến cho cộng đồng mạng hiểu sai bản chất thông tin.

Cho đến khi bị phát hiện, Trần Thị Hương Giang (37 tuổi, trú ở ngõ 720 đường La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) trong vụ "Thánh cô cô bóc" vẫn tỏ ra bình tĩnh, thậm chí ngạo mạn, lớn tiếng rằng mình không có tội. Sở dĩ Giang tự tin như vậy vì cô ta nghĩ rằng, tài khoản Facebook trên được lập từ nước ngoài nên cơ quan Công an không thể điều tra ra được và mình đang nói xấu người khác trên “thế giới ảo” chứ không phải thật. Lý do cô ta đưa ra giải thích cho hành vi bôi xấu người khác của mình là muốn “trở thành người nổi tiếng”.

Có thể nói, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần ra quyết định xử phạt các đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội nhằm tăng tính răn đe đối với những vi phạm trong lĩnh vực này. Chia sẻ với phóng viên Báo Công an nhân dân về hiện tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội thời gian gần đây, Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho rằng: "Việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội như đã nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật; trong đó, có các đối tượng vi phạm mà không hề hay biết. Để tránh những mặt trái, những tác hại không đáng có của mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng, người dùng nên tỉnh táo, cảnh giác trong việc kết bạn, hạn chế chia sẻ thông tin, hình ảnh thuộc về bí mật riêng tư với những người lạ, đặc biệt là trong giao dịch liên quan đến kinh tế. Đồng thời tự biết cách giữ bí mật cho những thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Mặc dù chỉ là thế giới ảo, song các hành vi trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác đều bị xã hội lên án và phải chịu sự xử lý của pháp luật...".

Theo điều 122, Bộ luật Hình sự: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm... Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo điều 226, Bộ luật Hình sự: Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm... Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Công an Nhân dân