Apple thời Tim Cook chỉ mải lo kiếm tiền: Nỗi niềm của "dân nhà giàu"
(Dân trí) - Từng đón nhận nhiều chỉ trích vì không còn duy trì được bản sắc của Apple như dưới triều đại của "huyền thoại" Steve Jobs, nhưng Tim Cook chẳng mấy bận tâm, mà muốn tạo ra nét riêng của mình - một Apple không ngại thay đổi để trụ vững và kiếm về "bộn" tiền.
Apple mới đây đã tung ra dòng sản phẩm iPad mới nhằm kế nhiệm cho thế hệ iPad Air 2. Tuy nhiên điều đáng nói là phiên bản iPad này gần như chẳng hề có tính năng gì mới, thiết kế cũng giữ "nguyên xi", ngoại trừ việc dày hơn đôi chút và thậm chí có giá thành rẻ hơn 70 USD so với trước đây.
Đây không phải lần đầu tiên Tim Cook thay đổi chiến lược kinh doanh, khi ông công khai nhắm vào phân khúc tầm trung - thay vì hoàn tập trung vào các sản phẩm cao cấp như những gì người kế nhiệm Steve Jobs từng làm trước đây.
Cũng chính điều này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi liên quan tới chiến lược kinh doanh của 2 vị CEO đại tài. Có người nói Apple đang đánh mất "bản sắc" của một thương hiệu cao cấp, nhưng cũng có người bảo vệ Tim Cook, cho rằng ông chỉ đang giúp Apple "sống sót".
Từ kẻ độc tôn, thành kẻ không ngại "học theo" người khác
Có một sự thật không thể chối bỏ - đó là Apple từ vị thế của một nhà sản xuất đi đầu trong lĩnh vực smartphone dưới thời Steve Jobs, luôn dẫn đầu các xu thế, tạo dựng thứ mà "muôn kẻ phải học theo" - thì nay đã hoàn toàn không còn.
Nhiều người đánh giá Apple chưa bao giờ "kém sáng tạo" đến vậy trong suốt triều đại thống trị của mình. Thế hệ MacBook Pro 2016 gần nhất bị chê là "không khác gì" so với các dòng MacBook cũ; iPad cũng giữ nguyên thiết kế có lẽ đã từ 4 đến 5 năm - ngoại trừ việc mỏng hơn đôi chút hoặc thay đổi về kích thước.
Ngay đến "con gà đẻ trứng vàng" của Apple là iPhone cũng đứng trước nhiều chỉ trích vì đã không tạo ra nhiều đột phá về thiết kế so với những những sản phẩm từ cách đây hơn 3 năm. Cho đến nay, nhiều người dùng khẳng định họ vẫn sẽ gắn bó với iPhone 6 hay 6S nếu chúng không hỏng hóc, và chẳng có lý do gì để chuyển sang iPhone 7.
Từ lâu, người ta cũng đã quen với một kịch bản "nhàm chán" tới "đáng sợ", khi Apple ra mắt một chiếc iPhone, một chiếc iPad, một chiếc MacBook - và nó chẳng có gì quá nổi bật so với những dòng sản phẩm cũ. Thế nhưng bằng một cách nào đó, Apple vẫn bán được hàng, vẫn đứng đầu về doanh thu, vẫn giữ được giá trị thương hiệu của mình. Nhiều người cho rằng Tim Cook được thừa hưởng quá nhiều từ Steve Jobs, để rồi đến nay người ta vẫn mua sản phẩm của Apple như một thói quen, trong khi độ sáng tạo thì ngày một đi xuống.
Nhưng đây kỳ thực là cái tài của Tim Cook.
Nhìn kỹ hơn vào lịch sử phát triển dưới thời ông, chúng ta có thể thấy rằng Apple đã thay đổi rất nhiều, thậm chí là những thay đổi mang tính "bước ngoặt" - và có lẽ chính điều ấy đã giúp cho con tàu khổng lồ trụ vững, không bị sóng gió nhấn chìm.
Tháng 9/ 2014, Apple của Cook gây "chấn động" khi loại bỏ thiết kế màn hình 4,5-inch truyền thống, thay thế bằng màn hình lớn hơn cùng phiên bản "ngoại cỡ" iPhone 6 Plus 5,5-inch. Lúc bấy giờ Apple đón nhận nhiều chỉ trích hơn lời bảo vệ, cho rằng Cook đã đánh mất bản sắc của Apple, và học theo các nhà sản xuất Android cùng màn hình lớn.
Quả thực đúng như vậy, Apple đã thay đổi, nhưng họ thay đổi bằng cách lắng nghe đối thủ của mình - điều được chính nhiều đối thủ áp dụng trước đây, điển hình như Samsung. Hay nói cách khác, Apple từ vị thế của kẻ vạn người theo, đã biết hạ mình để học theo các xu thế mới.
Và một trong những thay đổi rõ rệt nhất, đó là Apple đang từ bỏ việc chỉ chú tâm vào các dòng sản phẩm cao cấp. Thay vào đó, hãng đã bắt đầu triển khai sản phẩm ở phân khúc tầm trung nhằm thích ứng với thị trường.
Apple đang từ bỏ hình ảnh "sang chảnh"
Ngoài hình ảnh một Apple "sang chảnh" như trước đây, Tim Cook đang hướng đến một Apple đại chúng hơn.
Điều này đã được khẳng định sau khi iPhone tung ra bản iPhone SE hồi năm 2016 - như một sự thay thế dành cho những người dùng iPhone 5S cũ với mức giá không quá cao, và nay lại tiếp tục cùng mẫu iPad mới có giá rẻ hơn 70 USD nhưng nâng cấp cấu hình. Đây là động thái cho thấy, Apple thực sự muốn một số sản phẩm của mình cạnh tranh về giá so với các hãng khác.
"Apple đang nỗ lực làm cho các sản phẩm của họ trở nên dễ tiếp cận hơn thông qua giá bán thấp hơn", Neil Cybart, một nhà phân tích thị trường đưa ra nhận định. Theo Cybart, ngoài 2 cái tên nói trên, các sản phẩm khác của Apple chưa hẳn đã đắt. Ông ví dụ, tai nghe AirPods có giá lên tới 159 USD nhưng vẫn rất rẻ so với các mẫu tai nghe không dây khác đang có mặt trên thị trường, hay mức giá 269 USD của Apple Watch vẫn rẻ hơn các sản phẩm từ Samsung hay Fossil.
Ông cho rằng, đây chính là những thiết bị làm nhiệm vụ "dẫn đường" cho người dùng mua iPhone nhiều hơn. Hay nói cách khác, Apple đang muốn xây dựng một "hệ sinh thái" xung quanh chiếc iPhone họ, nhằm kiếm thêm về doanh thu. Tuy nhiên sự kém sáng tạo của Apple dẫn theo nhiều hệ quả, mà nổi bật nhất đó là khiến cho thị trường smartphone, tablet hiện nay ngày càng trở nên "nhàm chán".
Đảo qua các cửa hàng bán điện thoại, người ta sẽ thấy các mẫu smartphone ngày nay dù khác hãng nhưng trông vẫn na ná nhau, khó mà phân biệt nổi. Lý do là bởi các nhà sản xuất mải chạy theo xu thế chung, thậm chí "copy" tính năng của nhau để thêm vào sản phẩm của mình. Một smartphone có cảm biến vân tay, thì vài tháng sau tất cả smartphone đều được trang bị vân tay. Một smartphone có camera kép, thì ngay lập tức "nhà nhà" sử dụng camera kép.
Một sự bão hòa là điều dễ thấy, nhưng ít nhất người ta vẫn sẽ nhớ đến kẻ đi đầu - giống như Samsung đối với việc phát kiến ra màn hình cong, hay Sony với khả năng chống nước. Còn Apple - một công ty vốn đi đầu về sáng tạo dưới thời Steve Jobs dường như đang thiếu hẳn đột biến để tạo ra điểm nhấn của riêng mình.
Apple mới đây đã chọn cách vô cùng "lặng lẽ" ra mắt thế hệ iPad mới của mình, mà theo tờ CNET đánh giá, là bởi họ biết "chẳng còn ai quan tâm đến máy tính bảng". Thế nhưng họ vẫn cố gắng duy trì nó, kiếm tiền từ nó, thay vì tạo ra một thứ gì đó mới, một thứ gì đó giống như "quả bom" dưới thời Steve Jobs - có lẽ đơn giản vì họ không thể.
Mục tiêu chính của Apple vẫn là lợi nhuận, hãng phải bán được càng nhiều hàng càng tốt. Việc làm mới một số sản phẩm nêu trên để bán với giá rẻ hơn cho thấy sự nhạy bén về thị trường: rũ bỏ vai trò của một công ty chuyên bán sản phẩm cao cấp hoàn toàn để "rẽ nhánh" sang tầm trung.
Nhiều người cho rằng sự "uyển chuyển" của Apple sẽ làm đế chế của họ thêm hùng mạnh. Thế những cũng không ít người phủ nhận điều này, cho rằng công ty chỉ đang làm thu hẹp thêm ranh giới giữa họ và những nhà sản xuất khác, để rồi tới một ngày, thương hiệu số 1 chính thức bị vượt qua bởi một đối thủ nhanh chân hơn, nhạy bén hơn, và cũng biết nắm bắt thời cơ hơn. Tương lai nào sẽ được áp dụng? Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Nguyễn Nguyễn