Apple Store giả mạo “nở rộ” tại Trung Quốc trước thời điểm iPhone 6S được bán ra

(Dân trí) - Không quá khó để bắt gặp các cửa hàng Apple Store tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các cửa hàng này chỉ “hàng nhái” và không phải do Apple quản lý. Số lượng các cửa hàng này “nở rộ” nhanh chóng trước thời điểm bộ đôi iPhone mới được bán ra.

Trên một tuyến phố nhộn nhịp ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) có hơn 30 cửa hàng mang logo “táo khuyết” quen thuộc của Apple, kèm theo lời chào mời đặt hàng trước cho bộ đôi iPhone 6S/6S Plus chính thức bán ra vào ngày hôm nay, 25/9.

Nhiều cửa hàng có thiết kế giống hệt Apple Store, từ phong cách kính sang trọng đến các nhân viên mặc áo màu xanh đặc trưng kèm logo của Apple. Các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, Apple Watch, Macbook... cũng được trưng bày trên những dãy bàn bằng gỗ, đúng theo phong cách bố trí bên trong cửa hàng Apple Store.

Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là những cửa hàng Apple Store giả mạo “nhái” theo phong cách Apple Store thực thụ. Tại Thâm Quyến chỉ có một cửa hàng Apple Store duy nhất và 5 nhà bán lẻ có ủy quyền. Theo trang công nghệ Business Insider, những cửa hàng Apple Store giả mạo này đang mọc lên như nấm trước thời điểm Apple chính thức bán ra bộ đôi iPhone mới.

Bên trong cửa hàng Apple Store giả mạo với thiết kế và trang phục nhân viên giống hệt Apple Store thực thụ
Bên trong cửa hàng Apple Store giả mạo với thiết kế và trang phục nhân viên giống hệt Apple Store thực thụ

Sự gia tăng nhanh các cửa hàng Apple Store giả mạo cho thấy sự phổ biến của thương hiệu Apple tại Trung Quốc, là thị trường mà doanh thu của Apple liên tục tăng trong các quý gần đây, thậm chí trong quý trước Apple đã đạt được doanh thu 13 tỷ USD chỉ tính riêng tại Trung Quốc.

“Có rất nhiều người hâm mộ Apple tại Trung Quốc”, một nhân viên bán hàng họ Triệu tại một cửa hàng Apple Store giả mạo, vừa được mở cửa cách đây 2 tuần, cho biết. “Có rất nhiều người tại Trung Quốc chấp nhận bỏ ra thêm tiền để được sở hữu iPhone thế hệ mới sớm hơn những người khác”.

Ưu điểm của các cửa hàng Apple Store “giả mạo” này là khách hàng có thể đặt hàng trước và nhận hàng sớm hơn so với các cửa hàng chính thức của Apple, dĩ nhiên với mức giá cũng cao hơn so với sản phẩm chính hãng. Các sản phẩm chủ yếu được “xách tay” từ các thị trường khác như Mỹ hay Hồng Kông. Trên thực tế, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên Apple bán ra bộ đôi iPhone mới, tuy nhiên với nhiều người dùng Trung Quốc, việc sở hữu một chiếc iPhone thế hệ mới để “khoe” với người khác sớm hơn vài giờ cũng là điều đáng để đầu tư.

Bên cạnh đó, nhu cầu quá lớn của người dùng thường khiến không có đủ sản phẩm phân phối chính thức để đáp ứng, đây là thời điểm các cửa hàng Apple Store giả mạo phát huy tác dụng của mình khi người dùng có thể tìm đến những cửa hàng này để mua iPhone 6S/6S Plus thay vì phải chờ đợi đợt hàng mới.

Hiện Apple vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về sự gia tăng các cửa hàng kinh doanh iPhone trái phép “sao chép” thiết kế Apple Store của hãng, tuy nhiên có vẻ như “quả táo” đành chấp nhận sống chung với thực tại này hơn là tìm ra một giải pháp xử lý triệt để.

Ngành công nghiệp “làm nhái” ở Trung Quốc

Một số nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của các cửa hàng Apple Store giả cũng có thể là một điều tốt cho Apple khi các cửa hàng này góp phần thúc đẩy nhận thức về thương hiệu Apple tại quốc gia này, trong khi trên thực tế Apple chỉ có 22 cửa hàng chính thức tại Trung Quốc và dự kiến sẽ nâng lên con số 40 vào giữa năm sau.

Tuy nhiên ngược lại việc các cửa hàng giả mạo này sẽ khiến Apple gặp khó khăn trong việc quản lý thương hiệu và có nguy cơ phá vỡ kế hoạch dài hạn của Apple tại Trung Quốc.

Bộ đôi iPhone 6S (trái) và iPhone 6S Plus (phải) giả mạo được bán ngay trước khi sản phẩm thực được bán ra. Sản phẩm có giá lần lượt chỉ 91USD và 99USD
Bộ đôi iPhone 6S (trái) và iPhone 6S Plus (phải) giả mạo được bán ngay trước khi sản phẩm thực được bán ra. Sản phẩm có giá lần lượt chỉ 91USD và 99USD

 

Chính quyền Washington từng nhiều lần gây áp lực lên Trung Quốc phải làm nhiều hơn để bảo vệ bản quyền trí tuệ tại Trung Quốc. Vấn đề này một lần nữa được nhắc lại trong cuộc hội đàm tuần này giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm của ông Tập đến Mỹ kéo dài một tuần.

Các cửa hàng Apple Store giả mạo thậm chí còn sinh ra một ngành tiểu thủ công nghiệp nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp đó.

Không chỉ giả mạo những cửa hàng Apple Store, thị trường Trung Quốc còn nổi tiếng với việc làm nhái các sản phẩm của Apple. Thay vì phải bỏ ra hàng trăm USD để sở hữu một chiếc iPhone thực thụ, người dùng tại Trung Quốc chỉ cần bỏ ra vài chục USD để sở hữu một chiếc iPhone “nhái”, với thiết kế giống hệt iPhone thực thụ, từ thiết kế bên ngoài lẫn giao diện bên trong.

Ngoài Apple, các hãng công nghệ lớn khác như Samsung, LG hay HTC... cũng trở thành “nạn nhân” của ngành “công nghiệp làm nhái” tại Trung Quốc, khi các sản phẩm của hãng cũng bị làm nhái và bán công khai tại thị trường này, với mức giá thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng.

T.Thủy

Apple Store giả mạo “nở rộ” tại Trung Quốc trước thời điểm iPhone 6S được bán ra - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm