Apple sẽ rút nhà máy khỏi Trung Quốc cho dù tổng thống là Trump hay Biden

(Dân trí) - Cho dù Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo có những chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc, Apple và nhiều hãng công nghệ khác vẫn có nhiều lý do để chuyển dây chuyền sản xuất rời khỏi Trung Quốc.

Dưới thời tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ đã phát động "cuộc chiến thương mại" với Trung Quốc, bao gồm những biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của Trung Quốc cũng như đánh thuế cao các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Chính điều này đã khiến nhiều hãng công nghệ Mỹ phải chuyển nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc sang các quốc gia khác để tránh những khoản thuế từ chính phủ Mỹ.

Apple sẽ rút nhà máy khỏi Trung Quốc cho dù tổng thống là Trump hay Biden - 1

Các hãng công nghệ Mỹ muốn chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, bất kể tổng thống Mỹ tiếp theo là ai

Trong bối cảnh ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden gần như chắc chắn sẽ trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ sắp đến, nhiều nhà phân tích dự đoán ông Biden sẽ có những chính sách mềm mỏng hơn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để níu giữ các hãng công nghệ tiếp tục đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.

Apple là một trong hãng công nghệ Mỹ phụ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc để sản xuất sản phẩm của hãng. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy Apple đã sẵn sàng di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.

Đối tác lắp ráp chính của Apple, Foxconn (Đài Loan) đã đầu tư thêm 270 triệu USD cho nhà máy đặt tại Việt Nam để chuyển dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước đó, đối tác của Apple cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam và xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone, iPad tại Ấn Độ…

Young Liu, chủ tịch của Foxconn, đã từng khẳng định rằng Ấn Độ, các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á và châu Mỹ sẽ trở thành hệ sinh thái sản xuất mới của Foxconn trong tương lai, thay cho Trung Quốc.

Ngoài Apple, nhiều hãng công nghệ Mỹ cũng đang rút dần nhà máy sản xuất tại Trung Quốc để chuyển sang các quốc gia lân cận hoặc chuyển về Mỹ, chẳng hạn Google đã chuyển nhà máy sản xuất smartphone màn thương hiệu Pixel của hãng sang Việt Nam và yêu cầu đối tác Foxconn chuyển dây chuyền sản xuất máy chủ từ Trung Quốc sang nhà máy đặt tại bang Wisconsin (Mỹ).

Ngoài Foxconn, hãng công nghệ Đài Loan Pegatron, hiện đang là đối tác lắp ráp iPhone của Apple cũng như laptop, máy chủ cho nhiều công ty khác của Mỹ, cũng cho biết kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Việt Nam, Ấn Độ, Mexico, Đài Loan và Mỹ… Simon Lin, chủ tịch của Pegatron, đặt ra kế hoạch đưa một nửa công suất sản xuất của Pegatron ra khỏi Trung Quốc, sớm nhất là vào năm 2021, trong đó Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến quan trọng do quy mô của thị trường và nguồn nhân lực.

Hiện tại các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam cũng đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và nỗ lực thu hút các nhà sản xuất thông qua nhiều chính sách ưu đãi để tận dụng cơ hội thay thế Trung Quốc trở thành "công xưởng của thế giới". Tuy nhiên, việc di dời hoàn toàn chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc là điều không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, do vậy, các nhà nghiên cứu thị trường dự đoán Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là "công xưởng của thế giới" để sản xuất các thiết bị điện tử, ít nhất trong 5 năm tiếp theo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm