Apple nhận tin không vui ngay trước khi ra mắt iPhone mới
(Dân trí) - Apple và Foxconn bị tổ chức CLW tố cáo vi phạm pháp luật ở Trung Quốc do sử dụng tỉ lệ lao động tạm thời vượt quy chuẩn, cũng như điều kiện làm việc khắc nghiệt của các nhân viên.
Một ngày trước khi tổ chức sự kiện ra mắt iPhone mới (tạm gọi là iPhone 11), Apple và chuỗi cung ứng của mình là Foxconn đã bị tổ chức người lao động Trung Quốc (CLW) tố cáo vi phạm pháp luật do sử dụng tỉ lệ lao động tạm thời vượt quy chuẩn, cũng như điều kiện làm việc của nhân viên quá khắc nghiệt, theo Bloomberg đưa tin.
Nếu bạn chưa biết, thì lao động tạm thời ở đây có thể hiểu là nguồn nhân lực được Foxconn tuyển dụng để làm việc tại nhà máy trong một khoảng thời gian nhất định, thường là khi hãng cần sản xuất iPhone số lượng lớn, hay phục vụ mùa mua sắm cuối năm.
Các nhân viên thời vụ không được hưởng lợi ích, chế độ, lương thưởng, bảo hiểm xã hội,... như nhân viên chính thức, nhưng thu nhập lại có thể cao hơn do được bên thứ ba trả tiền. Họ cũng có thể trở thành nhân viên chính thức sau một thời gian làm việc.
Nhân viên Foxconn đổi ca vào buổi sáng.
Mặc dù nghe rất hấp dẫn cho cả đôi bên, song pháp luật Trung Quốc quy định lực lượng này chỉ được phép chiếm 10% tại các nhà máy, xưởng lắp ráp.
Trong khi đó theo báo cáo, tính trong tháng 8/2019, số lượng nhân viên tạm thời làm việc tại nhà máy Foxconn hiện chiếm tới 50%, vượt gấp 5 lần so với mức quy định, và vi phạm nghiêm trọng pháp luật Trung Quốc. Foxconn cũng đã xác nhận sai phạm sau khi bị tố cáo.
Được biết, để đưa sự việc ra ánh sáng, CLW đã cử các điều tra viên cải trang, âm thầm đăng ký làm việc tại các nhà máy của Foxconn. Có người chỉ làm thời gian ngắn, nhưng cũng có người đã làm được 4 năm.
Khu vực vệ sinh chung tại nhà máy Foxconn.
Trong số hàng trăm ngàn lao động tạm thời này, có cả sinh viên thực tập. Tính đến nay, khi phần lớn lao động là sinh viên đã rời nhà máy để nhập học, số lao động tạm thời giảm xuống còn 30%, nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với mức quy định.
Câu chuyện này khiến người ta nhớ đến sự việc vào cuối năm 2017 khi Apple đã phát hiện Foxconn thậm chí thuê học sinh trung học làm thêm giờ trái pháp luật để lắp ráp iPhone X.
Ngoài ra, các nhân viên thời vụ làm việc tại nhà máy còn bị yêu cầu làm việc 100 tiếng/tháng trong mùa cao điểm (luật Trung Quốc quy định 36 tiếng/tháng), trong đó bao gồm cả một số sinh viên đại học, dẫu luật pháp cũng cấm điều này.
Giường tầng tại ký túc xá giành cho nhân viên nhà máy.
Theo CLW, nhà máy không cung cấp trang thiết bị bảo vệ đảm bảo, hiện đại cho nhân viên. Khi để xảy ra tai nạn lao động, nhà máy cũng không báo cáo một cách chi tiết, còn nhân viên thì thường xuyên bị xúc phạm.
Ở phía đối diện, Apple đã lên tiếng phản bác phần lớn cáo buộc này của CLW, cho rằng thông tin không đúng sự thật. Apple cũng khẳng định rằng chưa đầy 1% số nhân công của họ là sinh viên, và chỉ có những người tự nguyện mới làm thêm giờ.
Dẫu vậy, CLW cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với Foxconn để giải quyết vấn đề. Hiện vẫn chưa biết liệu sự vụ vi phạm của Foxconn sẽ được xử lý như thế nào, và có ảnh hưởng ra sao tới hoạt động lắp ráp, hoàn thiện cho các dòng iPhone sắp tới.
Nguyễn Nguyễn
Theo Bloomberg