Apple lại bị kiện về việc xâm phạm bằng sáng chế
(Dân trí) - Tháng 6 có lẽ là tháng không hề tốt đẹp với Apple khi họ liên tiếp nhận những thông tin không vui. Và mới đây, Apple lại bị một cư dân tại Mỹ đâm đơn kiện về việc xâm phạm bằng sáng chế.
Cụ thể, Thomas S. Ross, đang sinh sống tại Florida (Mỹ) đệ đơn lên tòa án Florida Southern District Cour kiện Apple xâm phạm bằng sáng chế thiết bị cầm tay của mình và đòi bồi thường 10 tỷ USD vào ngày 27/6 vừa qua.
Chia sẻ với báo giới, Ross cho rằng, các thiết bị di động của Apple như iPhone, iPad hay iPod đã xâm phạm một bằng sáng chế thiết bị cầm tay của mình mang tên "Electronic Reading Device" vào năm 1992. Trong hồ sơ đệ trình lên tòa án, Ross cũng nêu rõ, nguyên đơn là người đầu tiên đệ trình một thiết bị được thiết kế và tổng hợp gần 15 năm trước khi iPhone đầu tiên ra mắt.
Chia sẻ thêm, Ross cho biết, vào khoảng thời gian 23/5 đến 10/9/1992, ông đã thiết kế ba bản vẽ tay kỹ thuật của các thiết bị, chủ yếu bao gồm là hình chữ nhật với các góc tròn thể hiện sự kết hợp giữa thiết kế và chức năng theo cách chưa từng tồn tại trước năm 1992.
Ross dự tính, thiết bị này dùng vào mục đích đọc truyện, tiểu thuyết, đọc báo cũng như xem ảnh. Hoặc thậm chí đó là xem phim ảnh trên màn hình cảm ứng. Ross cũng tưởng tượng rằng nó có thể bao gồm các chức năng giao tiếp, chẳng hạn như một chiếc điện thoại, một modem hay là một thiết bị có thể nhập và xuất ghi chú, có khả năng lưu trữ. Ngoài ra, ông cũng tưởng tượng rằng thiết bị này sẽ có pin và tích hợp tấm năng lượng mặt trời.
Trong đơn đệ trình lên tòa án, Ross cũng cho biết rằng đã xin cấp quyền sáng chế cho thiết kế của ông vào tháng 11/1992. Tuy nhiên, đến tháng 4/1995, Văn phòng Thương Mại và Sáng chế Hoa Kỳ đã loại bỏ đệ trình của ông vì không đóng tiền trả lệ phí. Đến năm 2014, Ross tiếp tục nộp đơn lên Văn phòng Thương Mại và Sáng chế Hoa Kỳ để xin cấp quyền tác giả.
Trong đơn đệ trình lên tòa án, Ross yêu cầu các cơ quan chức năng mở một phiên tòa, giúp ông lấy lại công bằng. Ross yêu cầu Apple bồi thường những thiệt hại mà ông phải gánh chịu, tối thiểu là 10 tỷ USD và một khoản tiền lên tới 1,5% doanh thu Apple nhận về từ các thiết bị vi phạm bản quyền trên toàn cầu.
Phan Tuấn