Apple đang "đe dọa" Microsoft

Thế Anh

(Dân trí) - Kể từ khi Apple trang bị bộ xử lý "cây nhà lá vườn" cho những chiếc MacBook, hoạt động kinh doanh laptop của công ty đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuần trước, Apple đã giới thiệu thế hệ chip M2, cùng với đó là hai mẫu MacBook Air và MacBook Pro mới. Con chip M2 có số lượng bóng bán dẫn nhiều hơn 25% và băng thông rộng hơn 50% so với phiên bản M1 tiền nhiệm.

Apple đang đe dọa Microsoft - 1

Chiếc MacBook Air 2022 sở hữu ngoại hình mới cùng bộ xử lý M2 (Ảnh: The Verge).

Mikako Kitagawa, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Gartner, nhận định rằng Apple có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh với dòng sản phẩm này. Theo Gartner, vào năm 2021, Apple đã nắm giữ khoảng 7,9% tổng lượng máy tính xuất xưởng trên toàn cầu. Trong khi đó, máy tính Windows chiếm 81,8%. Gartner ước tính thị phần của Apple có thể tăng lên 10,7% vào năm 2026, trong khi thị phần máy tính Windows sẽ giảm còn 80,5%.

Mảng kinh doanh máy tính Mac của Apple đã được hồi sinh sau khi công ty ra mắt bộ xử lý Silicon do hãng tự thiết kế, thay thế cho những con chip từ Intel. Apple cũng trang bị con chip này lên hàng loạt sản phẩm của công ty, bao gồm MacBook Air, iMac, Mac Mini và MacBook Pro.

Những sản phẩm sử dụng bộ xử lý mới cho hiệu suất mạnh mẽ hơn, trong khi vẫn cung cấp một thời lượng sử dụng pin dài. Điều này đã giúp cho doanh số máy tính của gã khổng lồ công nghệ Mỹ tăng vọt.

Hoạt động kinh doanh máy Mac của Apple đã tăng 23% trong năm tài chính 2021, lên hơn 35 tỷ USD doanh thu. Trong quý III/2021, doanh số bán máy Mac đã tăng hơn 14%, mức tăng nhanh nhất trong các danh mục phần cứng của Apple.

"Phản ứng của khách hàng đối với máy tính Mac chạy chip M1 của chúng tôi đã giúp thúc đẩy doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp những hạn chế về nguồn cung", CEO Tim Cook cho biết.

Tuy nhiên, những thành công của Apple lại không phải tin tốt cho Microsoft.

Phần lớn doanh thu hệ điều hành Windows của Microsoft đến từ giấy phép mà công ty bán cho các nhà sản xuất máy tính như Dell, HP, Lenovo. Con số đó chiếm khoảng 7,5% tổng doanh thu của Microsoft và gần 11% tổng lợi nhuận.

"Khi Microsoft bị mất thị phần, rất nhiều quyền kiểm soát giá cả trên thị trường sẽ bị mất theo", Brad Brooks, Giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng Censys, nhận định. 

Trước đây, Brooks từng đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh tiêu dùng Windows của Microsoft. Trong suốt 9 năm làm việc tại Microsoft, Brooks nhận thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa việc sử dụng máy tính cá nhân và thiết bị tại nơi làm việc.

"Khi khách hàng bắt đầu sử dụng một bộ sản phẩm khác trong môi trường gia đình, nhiều khả năng họ sẽ chấp nhận chúng trong môi trường làm việc của mình", Brooks nói.

Brooks nói rằng ông đã chuyển sang sử dụng máy Mac làm máy tính chính vào năm 2017. Ông cũng cho biết khoảng 150 nhân viên của công ty ông đều sử dụng máy Mac làm máy tính chính.

Hiện nay, các doanh nghiệp chưa chấp nhận sử dụng máy tính M1 của Apple vì lo ngại rằng các ứng dụng quan trọng sẽ không tương thích. Tuy nhiên, hàng loạt nhà phát triển như Adobe, Microsoft đều đã tung ra các phiên bản phần mềm tương thích với dòng sản phẩm này.

Apple đang đe dọa Microsoft - 2

Mảng kinh doanh máy Mac của Apple đã tăng trưởng mạnh sau khi công ty trang bị bộ xử lý Silicon cho dòng sản phẩm này (Ảnh: Engadget).

Patrick Moorhead, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Moor Insights and Strategy, cho biết máy tính Windows hiện vẫn có những lợi thế cạnh tranh nhất định ở hiệu suất và thời lượng sử dụng pin.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi Apple ra mắt một phiên bản rút gọn của chiếc MacBook M2. Moorhead tin rằng thị trường sẽ hoàn toàn thay đổi nếu Apple sẽ giới thiệu một phiên bản MacBook SE với mức giá 800-900 USD, tương tự cách công ty ra mắt iPhone SE.

"Một chiếc MacBook SE với mức giá phù hợp sẽ khiến thị phần của máy tính Windows bị ảnh hưởng nặng nề", Moorhead nói.

Theo www.cnbc.com