Ai cũng nhìn thấy lợi ích của smartphone, có một mặt trái ít ai để ý
(Dân trí) - Như một quy luật tất yếu, thứ gì phát triển quá nhanh cũng có mặt trái của nó; nhưng bạn chắc chắn sẽ phát hoảng khi nhận thấy kỷ nguyên bùng nổ smartphone đang đe dọa cả một tương lai của thế hệ trẻ.
Smartphone nói riêng, hay các thiết bị di động nói chung đang mở đầu cho một thời kỳ "Smart", đánh dấu bằng chuyển dịch Cách mạng Công nghiệp 4.0, với nhiều thay đổi và có tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi chúng ta.
Đa số trong những thay đổi ấy là tiện ích được mang đến cho con người, điển hình như cách người ta dùng mạng xã hội để cập nhật thông tin, trò chuyện với nhau; dùng một ứng dụng để tìm bài hát trên radio; hay dùng camera để ghi lại những khoảnh khắc diễn ra xung quanh.
Tuy nhiên, thiết bị di động cũng có mặt trái của nó, và điều này từng được chỉ ra bởi nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu. Mới đây, giáo sư Jean M. Twenge thuộc trường Đại học Chicago trong bài viết của mình, đã chỉ ra rằng thanh thiếu niên lớn lên trong một thế giới bị thống trị bởi smartphone thường có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý hơn so với thanh thiếu niên từ các thế hệ trước.
Twenge tiến hành phân loại các nhóm trẻ sinh ra từ năm 1995 đến năm 2012 với tên cô tự đặt là iGen - vốn không hề biết đến cuộc sống khi chưa có Internet, và nhận thấy nhiều vấn đề đang lo ngại hơn nạn phân biệt giới tính, phân biệt giai cấp, cũng như sắc tộc.
Một trong những dẫn chứng đáng chú ý mà Giáo sư Twenge đưa ra là trẻ em thuộc thế hệ iGen có nhiều trường hợp dẫn đến tự tử hoặc trải qua chứng trầm cảm một cách rõ rệt.
"Không phải là một sự cường điệu khi mô tả thế hệ iGen đang gặp khó khăn về sức khoẻ tinh thần, và nó dường như là điều tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Phần lớn sự suy thoái này có thể được bắt nguồn từ chính chiếc điện thoại của trẻ." Twenge viết.
Cô nhận định rằng những lợi ích như sự kết nối mà điện thoại thông minh cung cấp thực sự chỉ là bề nổi của vấn đề. "Đừng bị đánh lừa khi bạn thấy trẻ dành nhiều thời gian để kết nối với bạn bè thông qua kỹ thuật số. Trên thực tế, nếu chúng dành càng nhiều thời gian cho phương pháp này thì các tương tác trực tiếp ngoài đời thực sẽ càng trở nên ít hơn."
Một trong những điều khá "trớ trêu" được Giáo sư Twenge đề cập, đó là trẻ thuộc thế hệ iGen mặc dù dành nhiều thời gian sống cùng một mái nhà với như bố mẹ chúng, nhưng lại hầu như không thể nói chuyện gần gũi với cha mẹ mình như những người đứa trẻ trước đây.
Athena, một cô bé thuộc lứa tuổi vị thành niên cho biết: "Những người bạn của cháu, họ chẳng hề nói chuyện với bố mẹ gì cả. Họ chỉ trả lời "qua loa", như kiểu: "Okay, okay, sao cũng được", rồi lại tiếp tục sử dụng điện thoại".
Cô bé chia sẻ rằng khi nhóm bạn đi cắm trại mùa hè, các em cùng giành phần lớn thời gian để trò chuyện qua văn bản, qua Snapchat. "Các bạn nói chuyện với nhau qua điện thoại dù đang ở ngay gần nhau. Những chiếc giường giống như in luôn cả cơ thể họ, vì chẳng mấy khi các bạn rời khỏi chúng."
Giáo sư Twenge cũng trích dẫn các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em và thanh thiếu niên dành nhiều thời gian cho smartphone có xu hướng ít hài lòng về những điều xung quanh hơn so với những trẻ ít dùng smartphone.
Lý do của điều này thì vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một vài chuyên gia cho rằng việc tiếp cận với những thiết bị quá thông minh, quá tiện lợi, và gần như giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống khiến trẻ cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng khi bước ra ngoài đời thực.
Cho dù bạn có con nhỏ đang sử dụng smartphone hay không, thì nghiên cứu trên của Giáo sư Twenge vẫn rất đáng để suy ngẫm. Trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ, của smartphone vẫn chưa dừng lại, mà ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn hơn tới cuộc sống; chúng ta hơn bao giờ hết nên có sự chuẩn bị hợp lý để phát huy những lợi thế mà chúng mang lại, đồng thời tránh những tác động tiêu cực có thể xảy đến.
Nguyễn Nguyễn
Theo BGR