82 doanh nghiệp bị khuyến cáo về bản quyền phần mềm

Từ 30/6, án phạt cao nhất của nạn vi phạm bản quyền phần mềm sẽ lên tới 500 triệu đồng. Trước giờ G sắp điểm, hơn 80 đơn vị tại Hà Nội và TPHCM đã nhận khuyến cáo từ Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

80 doanh nghiệp nhận khuyến cáo

 

Nằm trong chiến dịch đẩy mạnh thực thi nghiêm khắc quyền tác giả, Đoàn thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tiến hành đợt tuần tra, nhắc nhở và gửi khuyến cáo trực tiếp tới hơn 80 đơn vị tại Hà Nội và TPHCM. Đây là đợt khuyến cáo trực tiếp về những hậu quả của việc sử dụng phần mềm không có bản quyền tới các doanh nghiệp đầu cuối có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

 

Hoạt động này thể hiện những nỗ lực lớn nhằm tuyên truyền cho các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ cụ thể trong lĩnh vực phần mềm trước khi Nghị định số 47/2009/NĐ- CP với mức phạt tương đối lớn lên tới 500 triệu đồng có hiệu lực vào tháng 6 tới. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả và các quỳen liên quan.

 

Trong đợt tuần tra nhắc nhở và khuyến cáo được thực hiện vào ngày 26/5 tại Hà Nội, đoàn Thanh tra đã gửi khuyến cáo trực tiếp tới 53 doanh nghiệp. Trước đó, trong cuộc tuần tra trực tiếp kéo dài trong 2 ngày từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 5 tại TPHCM, đoàn Thanh tra đã gửi khuyến cáo trực tiếp tới 29 doanh nghiệp. Tất cả hơn 82 đơn vị đã ký vào biên bản nhận khuyến cáo về chống vi phạm quyền SHTT liên quan đến chương trình máy tính của Đoàn thanh tra.
 
 
82 doanh nghiệp bị khuyến cáo về bản quyền phần mềm - 1
Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng phần mềm không có bản quyền
 

Trong văn bản Khuyến cáo trên Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu rõ: “Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo quý đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính, không sao chép, cài đặt, sử dụng các chương trình máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Mọi hành vi xâm phạm khi bị phát hiện sẽ được xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành”.

 

Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận khuyến cáo phải kiểm tra, rà soát và gửi một bản báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước thông báo về thực trạng số lượng máy tính; số lựợng và chủng loại chương trình máy tính hiện đang cài đặt, sử dụng cũng như giấy phép sử dụng của các chương trình máy tính hiện đang được cài đặt.

 

Giờ G sắp điểm

 

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực quyền tác giả và các quyền liên quan đang là một vấn đề nóng được Chính phủ và các ban ngành liên quan đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Với nghị định 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký và ban hành vào ngày 13/5/2009 đã khẳng định quyết tâm nhằm thực thi nghiêm túc quyền SHTT. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 30/6/2009 với mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng.

 

Để từng bước thích nghi với một nền kinh tế có sự bảo hộ chặt chẽ của cơ chế Sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp phải đầu tư thời gian cho việc tìm hiểu hệ thống luật pháp và chi phí để sử dụng cơ chế này. Chi phí mua phần mềm có bản quyền sẽ không còn là vấn đề quá nặng nề nếu các doanh nghiệp nhìn nhận rằng: mua phần mềm máy tính cũng là một khoản đầu tư của công ty và vốn đầu tư này sẽ giúp cho doanh nghiệp sinh lời.

 

Thực tế, đây là một khoản đầu tư hoàn toàn hợp lý nằm trong ngân sách dành cho cơ sở vật chất của mỗi doanh nghiệp hàng năm. Với Nghị định mới khi xâm phạm quyền SHTT trong lĩnh vực phần mềm các doanh nghiệp không chỉ đối đầu mới các mức phạt nghiêm khắc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp, thứ không thể mua được bằng tiền.

 

Năm 2008 tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn ở mức 85%, giữ nguyên vị trí như năm 2007. Mặc dù trong năm vừa qua, Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền trong khối doanh nghiệp nhưng do tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ nên tỷ lệ vi phạm vẫn giữ nguyên. Chiến dịch chống lại vấn nạn xâm phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn còn là một chặng đường dài và cần nhiều hơn nữa ý thức tôn trọng quyền tác giả của mỗi cá nhân cũng như các doanh nghiệp.

 

Theo Hiền Mai

VnMedia