Doanh thu ngành Công nghiệp nội dung số giai đoạn 2006-2010:

400 triệu USD/năm là con số khả thi?

(Dân trí) - Chiều qua, 7/6, tại Hà Nội, một cuộc toạ đàm dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Nguyễn Minh Hồng lần đầu tiên đã đưa ra trước đông đảo giới chuyên gia CNTT, báo giới nội dung Dự thảo Chương trình phát triển Công nghiệp nội dung số Việt Nam từ 2006 đến 2010 và định hướng đến năm 2020.

Xác định ngành Công nghiệp nội dung số của Việt Nam còn khá mới mẻ, non trẻ, tuy nhiên cũng đầy tiềm năng, những thành viên xây dựng bản dự thảo đã đưa ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 50%/năm. Doanh thu toàn ngành đạt 400 triệu USD. Liệu mục tiêu này có thực sự khả thi hay mới chỉ là một “giấc mơ đẹp” chưa thể thành hiện thực? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin – đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình này xung quanh những nội dung trên.

 

Ông có thể cho biết những đánh giá về tiềm năng của ngành Công nghiệp nội dung số của Việt Nam hiện nay?

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thứ nhất, ngành Công nghiệp nội dung số là ngành công nghiệp rất tiềm năng. Trên thế giới, như báo cáo của Cục Hỗ trợ Thúc đẩy Phát triẻn Công nghiệp CNTT Hàn Quốc KIPA cho thấy, mặc dù Hàn Quốc mới chỉ phát triển ngành Công nghiệp này được khoảng 5 năm nhưng đã thu được những hiệu quả rất lớn. Riêng ở Việt Nam, ngành Công nghiệp nội dung số một hai năm gần đây mới được nói đến nhiều, thế nhưng đã có nhiều lĩnh vực thuộc ngành Công nghiệp nội dung số được đánh giá là “bùng nổ” mạnh, thí dụ như game trực tuyến chẳng hạn. Lĩnh vực này thời gian vừa qua thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội.

 

Ngành Công nghiệp nội dung số rất tiềm năng. Theo đánh giá lạc quan của nhiều chuyên gia thì từ giờ tới năm 2010, doanh số đạt được từ ngành này sẽ vượt doanh số của  ngành phần mềm không chỉ riêng gì các nước phát triển trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam.

 

 

Tuy nhiên, ta cũng không nên tách bạch quá rạch ròi ngành Công nghiệp nội dung số và ngành Công nghiệp phần mềm. Theo quan niệm của chúng tôi, công nghiệp nội dung số là một hướng phát triển từ công nghiệp phần mềm ra khi hàm lượng về nội dung và cách thể hiện của nội dung nó vượt xa so với cái hàm lượng về thuật toán và công nghệ như sản phẩm phần mềm.

 

Theo đánh giá của ông, tại ba miền của nước ta Bắc, Trung, Nam, nơi nào ngành Công nghiệp nội dung số sẽ phát triển trước?

 

Công nghiệp nội dung và phần mềm gắn nhiều với thị trường và chất lượng của nguồn nhân lực. Từ đó thấy rằng hai trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM sẽ khởi sắc đầu tiên về ngành nội dung. Tuy nhiên, cũng không thể nói các vùng khác không phát triển được, ví dụ như Đà Nẵng cũng đang hình thành một trung tâm về công nghiệp phần mềm nội dung.

 

Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng việc ứng dụng ngành Công nghiệp nội dung số tại Việt Nam vẫn còn mờ nhạt, chưa xứng với tiềm năng?

 

Ý kiến nói mờ nhạt theo chúng tôi không đúng. Hiện này chúng ta vẫn còn đang vướng ở chỗ hiểu rõ như thế nào là sản phầm công nghiệp nội dung số. Hãy nhìn vào một vài con số cụ thể. Chẳng hạn như chỉ trong thời gian ngắn riêng dịch vụ nhắn tin đã có tới 20 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ nội dung cho mạng di động. Ví dụ này để thấy rằng doanh nghiệp tham gia dịch vụ dù còn mới này cũng đã rất nhiều. Rồi việc giảng dạy điện tử, một số trang web liên quan đến thi cử, trường thi, thì cũng đã phát triển. Một số khu vực khác, đặc biệt trong khu vực trò chơi thì phát triển tương đối nhanh và bên cạnh những mặt tích cực, nó còn trở thành một vấn đề bức xúc của xã hội.

 

Vậy ngành này có tác động đến xã hội như thế nào, thưa ông?

 

Vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Nhưng chúng ta bỏ sang bên tác hại để phân tích cái lợi. Lợi ích thứ nhất là khi ngành Công nghiệp nội dung số phát triển đã khiến doanh số người dùng Internet tăng nhanh. Một thời gian dài doanh nghiệp đã phải phát triển thuê bao Internet ỳ ạch, nhưng khi các nhà cung cấp phát triển nội dung số tham gia vào thì lập tức số người sử dụng Internet tăng lên nhanh. Thậm chí có nhiều khu vực con số tăng vượt qua cả sự tưởng tượng.

 

Vậy nội dung cơ bản của bản dự thảo chương trình phát triển Công nghiệp nội dung số là gì thưa ông?

 

Điều quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng hạ tầng pháp lý vì công nghiệp nội dung số là ngành hội tụ của viễn thông, Internet và các ngành công nghiệp thông tin. Hiện nay, hạ tầng pháp lý của viễn thông và công nghệ thông tin còn chưa với tới khu vực. Chẳng hạn như Thông tư quản lý game online mới là việc đầu tiên chúng ta đã làm được. Sau đó là phát triển hạ tầng kỹ thuật băng rộng vì nếu không có hạ tầng băng rộng thì không thể có công nghiệp nội dung thông tin số. Ngành này chủ yếu là truyền tải hình ảnh và âm thanh đòi hỏi băng thông cao. Ngoài ra chủ yếu là sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Nhà nước cũng sẽ phải có những hỗ trợ ngành công nghiệp còn non trẻ này.

 

Trong bản dự thảo lần này cũng đã đưa ra mục tiêu ngành Công nghiệp nội dung số sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 50%/năm và doanh thu toàn ngành đạt 400 triệu USD. Con số này liệu có khá thi không thưa ông?

 

Trong chiến lược phát triển công nghiệp phần mềm có một câu là phấn đấu đến 2010, ta phải đạt được doanh thu là 1 tỷ USD đến 1,2 tỷ USD cho cả công nghiệp phần mềm và nội dung, trong đó công nghiệp nội dung đạt được 400 triệu USD.

 

Hiện nay, nếu tính việc khai thác thị trường trong nước năm 2005 đạt là 15 triệu USD, năm 2006 dự kiến có thể nhảy vọt vì số lượng người tham gia lĩnh vực Công nghiệp nội dung số. Còn mục tiêu chúng tôi đưa ra trong dự là kế hoạch. Mà đã là kế hoạch thì nó phải phản ảnh tham vọng, mong muốn nhưng đủ tính thực tế để đạt được với nỗ lực cao nhất.

 

Vậy để đạt được mục tiêu trên, về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ nào?

 

Đầu tiên là về mặt hạ tầng pháp lý. Thời gian vừa rồi vấn đề này đã được quan tâm đến rất nhiều. Thứ hai là vấn đề bản quyền. Sau đó phát triển hạ tầng viễn thông cơ sở. Nhà nước sẽ xây dựng môi trường giúp doanh nghiệp phát triển.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 

Hiền Trâm thực hiện