3 năm sau sự cố, phóng xạ từ Fukushima vẫn ảnh hưởng tới môi trường
(Dân trí) - Đã 3 năm kể từ khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần Sendai khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề do phóng xạ và đến nay, nó vẫn còn rất nguy hiểm.
Năm 2011, trận động đất 9 độ richter kèm sóng thần đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Vụ việc được Nhật Bản và thế giới coi như là một “thảm họa nhân loại” thời hiện đại với môi trường ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng. Phóng xạ từ các lò phản ứng của nhà máy điện đã ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, một lượng lớn bị trôi dạt ra biển khiến nhiều người lo lắng. Toàn bộ người dân nằm trong bán kính 3 km được lệnh phải di tản để tránh bị nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, các độ vật hoang dã vẫn còn sống trong khu cách li này.
Vừa qua, một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Joji Otaki - nhà sinh vật học thuộc Đại học Ryukyus, Nishihara, Nhật Bản - đã quay trở lại “vùng đất chết” này và tiến hành nghiên cứu môi trường tại đây. Nhóm đã phát hiện ra rằng côn trùng đang là loài bị ảnh hưởng chất phóng xạ nhiều nhất.
Đối tượng nghiên cứu của nhóm là loài bướm cỏ màu xanh nhạt (tên khoa học là Zizeeria maha) vốn phổ biến tại Nhật Bản. Những con bướm này sẽ được bắt tại nơi gần bị nhiễm phóng xạ nhất và có ăn (hoặc cho ăn) loại lá có tên khoa học Oxalis corniculata có nhiễm phóng xạ với nồng độ lên đến vài ngàn becquerel trên mỗi kilogram (Bq/Kg) mà nhóm thu thập được vài tháng sau sự cố. (Để so sánh, ta lấy chuẩn giới hạn phóng xạ mà chính phủ Nhật Bản đưa ra cho con người: 100 Bq/Kg với gạo, thịt, cá và 50 Bq/Kg với sữa).
Kết quả cho thấy, ấu trùng bướm ăn lá này đã có tỉ lệ sống thấp hơn những con ở môi trường không bị nhiễm phóng xạ, đồng thời tỉ lệ bệnh tật cũng cao lên bất thường hoặc cánh nhỏ khi nở thành bướm.
Nghiên cứu mới cũng cho thấy, phóng xạ còn ảnh hưởng nhiều tới ấu trùng ngay cả với nồng độ thấp. Otaki đã thu thập các mẫu côn trùng còn sống cách 16 - 20 tháng khi sự cố diễn ra, cách xa từ 59 – 1760 km (nồng độ ô nhiễm chỉ từ 0,2 – 161 Bq/Kg) và kết quả cho thấy khi nồng độ ô nhiễm càng tăng, tỉ lệ mắc bệnh và tử vong trên côn trùng càng cao.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học đã chia thành 2 nhóm ấu trùng bướm: Một nhóm ăn các lá bị ô nhiễm còn nhóm còn lại thì không. Kết quả cho được cũng tương tự như trên khi ấu trùng ăn lá bị nhiễm phóng xạ có tỉ lệ sống thấp hơn.
Theo Timothy Mousseau, một nhà sinh vật học tại Đại học Nam Carolina, Columbia nhận định, kết quả nghiên cứu này được coi là “đột phá” khoa học bởi hiện tại, hầu như không có nghiên cứu nào về những ảnh hưởng từ thức ăn có chứa phóng xạ mà động vật ăn phải. Nhưng ông cũng lưu ý rằng kết quả trên không thể suy ra trực tiếp với con người bởi loài bướm “nhạy cảm” hơn. Tuy nhiên, đây sẽ là “sự tham khảo” đáng giá để ngăn ngừa các thực phẩm phóng xạ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nhân loại, nhất là khi có rất nhiều nhà máy điện nguyên tử trên thế giới và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí BMC Evolutionary Biology.
Phan Tuấn