12 đặc sản công nghệ mà bạn không còn cơ hội để nhìn lại (Phần cuối)
(Dân trí) - Những ai biết đến và có dịp trải nghiệm những "cổ vật" này thì có lẽ tóc cũng đã hai thứ màu theo dòng chảy của thời gian.
Ở bài viết trước, chúng ta đã được nhìn lại một số sản phẩm, thiết bị từng đóng một vai trò quan trọng trong quá khứ, nhưng cho đến nay thì đã hoàn toàn biến mất, hoặc chuẩn bị bước vào giai đoạn "tuyệt chủng". Xem lại tại đây:
>> 12 đặc sản công nghệ mà bạn không còn cơ hội để nhìn lại (Phần 1)
Trong bài viết này, cùng chúng tôi đến với một số "đồ cổ" khác cũng không kém phần thú vị.
7. TV "siêu lồi"
Ngày nay, hầu hết chúng ta đều đã chuyển sang sử dụng TV màn hình LCD, LED, và những công nghệ trình chiếu hiện đại hơn với độ mỏng ấn tượng, thậm chí có thể treo lên tường như một bức tranh.
Tuy nhiên sẽ rất thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc tới công nghệ màn hình TV lâu đời nhất được thương mại hoá, mà giới trẻ ngày nay có lẽ không còn cơ hội được nhìn thấy - đó là TV CRT.
CRT (Cathode Ray Tube) ra mắt lần đầu vào năm 1922, và chỉ có thể hiển thị 2 màu trắng và đen. Mãi đến năm 1954, chiếc TV CRT màu đầu tiên mới được thương mại hoá và CRT chính thức thống trị ngành công nghiệp TV cho đến 2007, thời điểm mà nó bị vượt mặt bởi LCD.
TV này hoạt động như một hệ thống đèn điện tử chân không, khi các súng điện tử sẽ liên tiếp bắn tia âm cực (các hạt electron) vào màn phosphor để kích thích chúng phát sáng.
Chính bởi cấu tạo này nên TV CRT mới có độ dày cao, màn hình cong như thấu kính lồi, và ông cha ta khuyến cáo không nên ngồi sát màn hình TV, sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các tia âm cực, gây giảm thị lực của mắt.
8. Máy ảnh "buồng tối"
Tiền thân của những chiếc máy ảnh hiện đại ngày nay chính là là "buồng tối" (camera obscura).
Thiết bị bao gồm một hộp hoặc căn phòng với một lỗ ở một bên.
Theo đó, ánh sáng từ một cảnh bên ngoài đi qua các lỗ và chiếu vào một bề mặt bên trong, nơi nó được sao chép với hình ảnh ngược lại, nhưng với màu sắc và cảnh được giữ nguyên.
Tuy nhiên, trước khi người ta phát minh ra phim ảnh thì không có cách nào để giữ lại ảnh từ các máy ảnh ngoài cách "đồ" lại bằng tay, hoặc dùng các phương pháp như hỗn hợp bạc và phấn để tái hiện hình ảnh.
9. Điện thoại cơ bản
Với những ai có cơ hội được sống thời trai trẻ trong thập niên 80-90, thì hình ảnh này có lẽ không còn quá xa lạ.
Điện thoại di động lúc bấy giờ thực sự được coi là một ... chiếc điện thoại, với các chức năng cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin, và chơi 1 số mini game. Không hề có truy cập Internet, không chụp ảnh, không đa nhiệm, và sẽ chẳng có lý do gì để bạn ngồi hàng giờ trước màn hình điện thoại trừ khi chúng ta nhắn tin cho người yêu hay bạn bè thân thiết.
Tuy nhiên nếu chẳng may nhắn tin quá nhiều mà quên không xóa những tin nhắn cũ, bạn sẽ rơi vào một cảnh vô cùng trớ trêu, đó là không thể nhận tin nhắn mới vì hòm thư đã đầy.
Đó là bởi lúc bấy giờ, dung lượng trên điện thoại chỉ tính bằng bytes mà thôi, và chúng ta luôn phải đắn đo lựa chọn việc lưu hay xóa tin nhắn nào.
10. Băng Cassette
Ra đời từ thập niên 60, phổ biến rộng từ cuối thập niên 70, trong gần 40 năm, Cassette đóng một vai trò quan trọng trong việc ghi âm và truyền bá âm nhạc tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ra đời sau băng cối và đĩa nhựa, dù có chất lượng không bằng, song Cassette được ứng dụng nhiều trong công nghệ thu-phát âm thanh và đạt được mức phổ biến cao hơn vì tiện lợi, nhỏ gọn và giá thành rẻ.
Từ những năm 90, cùng với việc phát triển kỹ thuật số và sự ra đời những kỹ thuật ghi âm, ghi hình tân kỳ hơn, như dùng đĩa CD, DVD, do đó Cassette đã không còn được ưa chuộng nữa và dần dần chìm vào quên lãng.
Tuy nhiên ngay tại thời điểm hiện nay, nếu bạn chăm chỉ lên các khu vực công cộng như phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chúng ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những cụ ông, cụ bà xách theo đài Cassette "siêu cổ" với những bài ca "đi vào năm tháng".
11. Máy nhắn tin
Đây là thiết bị điện tử để xem tin nhắn được gửi đến từ tổng đài điện thoại. Khác với tin nhắn SMS trên điện thoại có thể hồi đáp lại, máy nhắn tin chỉ có thể xem mà không thể phản hồi. Các tin nhắn cũng không có dấu nên đôi khi người dùng phải gọi điện để hỏi lại thông tin.
Thời của máy nhắn tin ở Việt Nam, chỉ người có "điều kiện" mới sở hữu được. Khi đó, điện thoại cũng chỉ là điện thoại bàn hoặc trạm điện thoại chứ không phải điện thoại di động như hiện nay.
12. Máy điện tử cầm tay
Máy chơi game phổ biến mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng mơ ước được sở hữu trong giai đoạn từ 1980 tới 1990.
Với máy chơi game này, chúng ta có thể giải trí với trò chơi nổi tiếng nhất là Tetris, hay còn gọi là game xếp hình. Ngoài ra, người dùng có thể trải nghiệm một vài trò chơi đơn giản khác như đua xe, bắn máy bay... với tạo hình chỉ là các điểm pixel lớn và đơn giản.
Ngày nay, với việc smartphone đã đảm nhiệm quá nhiều chức năng giải trí đa phương tiện, thì những máy chơi game cầm tay thế này quả thực là một sự thừa thãi. Dẫu vậy, nó vẫn khiến nhiều người trong số chúng ta hồi tưởng lại tuổi thơ đáng nhớ của mình.
Nguyễn Nguyễn