1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2009

(Dân trí) - 3G chính thức hiện diện tại Việt Nam là một trong 10 sự kiện nổi bật được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) bình chọn trong năm nay.

 Dưới đây là những sự kiện ICT tiêu biểu khác được bình chọn theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp:

1. Ngày 12/10, VinaPhone đã ra mắt mạng 3G đầu tiên tại Việt Nam, đưa Việt Nam chính thức ghi tên mình vào bản đồ 3G thế giới sau 6 năm thử nghiệm. Tuy nhiên, việc đi đầu của VinaPhone biến họ thành “thuốc thử” dẫn đến chất lượng dịch vụ 3G cũng như 2G của mạng này bị kêu ca nhiều. Sau VinaPhone, ngày 15/12, Mobifone cũng đã chính thức cung cấp dịch vụ 3G. Dù chuẩn bị kỹ hơn nhưng đôi khi các thuê bao vẫn gặp trục trặc khi thực hiện các dịch vụ cơ bản.

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2009  - 1

 
2. Blog Yahoo! 360 đóng cửa kéo theo sự nở rộ của các mạng xã hội tại Việt Nam: Ngày 14/7, Yahoo! Chính thức đóng cửa dịch vụ Blog Yahoo!360, cộng đồng blog lớn nhất Việt Nam. Các mạng xã hội khác như Zingme, Facebook… đã tăng trưởng đột biến.
 
3. Mỗi các nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim di động/mạng: Nhằm hạn chế tình trạng páht triển thuê bao di động ảo, sử dụng hiệu quả tài nguyên số và ngăn chặn nạn quấy rối bằng điện thoại di động, Bộ TT-TT ra quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 3 sim di động/mạng.

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2009  - 2

4. Lần đầu tiên Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành:  Ngày 30/3, phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ lần đầu tiên được thực hiện dưới hình thức truyền hình trực tuyến với 63 tỉnh, thành.
 
5. Tranh chấp chung quanh những cột điện treo cáp: Đầu năm 2009, VNPT, Viettel, SPT… đã đồng loạt “tố” Điện lực Việt Nam (EVN) lợi dụng thế độc quyền bất ngờ nâng giá cho thuê cột điện treo cáp khiến chi phí của các doanh nghiệp này tăng cao, khiến các doanh nghiệp phải nói lời xin lỗi với khách hàng đăng ký dịch vụ cố định hoặc ADSL ở một số điểm tại Hà Nội và TPHCM vì không chịu được giá cắt cổ.

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2009  - 3

 
6. Tranh cãi BKIS – VNCert: Ngày 14/7 BKIS công bố phát hiện nguồn gốc máy chủ tấn công các website Hàn Quốc và Mỹ. Ngày 15/7 Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert) có công văn nhắc nhở BKIS vì việc “công bố thông tin rộng rãi và không chính xác”, có thể “gây nguy hiểm cho các hệ thống thông tin trong nước”. BKIS đã phản ứng mạnh trên báo chí và các báo đã mổ xẻ cuộc tranh cãi với những ý kiến trái ngược giữa BKIS và VNCert. Bộ TT-TT đã đứng ra làm trung gian hòa giải bằng một văn bản kết luận “cả BKIS và VNCert đều thiếu sót”.

7. Chính thức triển khai ứng dụng chữ ký số công cộng:  Mặc dù Luật Giao dịch điện tử với các quy định về chữ ký số đã có hiệu lực từ tháng 3/2006, nhưng mãi đến tháng 9/2009, VNPT mới được cấp phép trở thành nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đầu tiên và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng là khách hàng đầu tiên của VNPT để triển khai thí điểm Người nộp thuế qua mạng internet.

8. Lần đầu tiên đặt mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT: Dự thảo “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT” do Bộ TT-TT xây dựng đặt ra mục tiêu vào năm 2015 Việt Nam sẽ đứng trong số 70 quốc gia phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới. Đến năm 2020, Việt Nam phải đứng thứ 60 trong bảng xếp hạng của ITU về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20-23% trong GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP…
 
9. Viettel tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh: Tháng 6, một vụ khiếu tố lạ đời xảy ra khi Viettel tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh với chiêu in quảng cáo so sánh trực tiếp giá cước MobiFone rẻ hơn Viettel. Sự việc không có gì đáng nói nếu như trước đó Viettel không sử dụng chiêu này một cách phổ biến trong nhiều năm liền khi giá cước còn rẻ hơn MobiFone và VinaPhone. Sau khi Viettel tố MobiFone, các mạng di động khác như VinaPhone, EVN Telecom đồng loạt tố ngược Viettel đã sử dụng chiêu cạnh tranh này một thời gian dài và từng bị xử phạt với hành vi này.

10. Khai trương tuyến cáp quang biển Liên Á: Ngày 6/11, EVN Telecom đã khai trường Hệ thống cáp quang biển Liên Á (IACS) do EVN tham gia đầu tư cùng TATA Communication với vốn góp ban đầu là 200 triệu USD. Tuyến cáp biển này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hồng Công, Nhật Bản với tổng chiều dài 6.800 km.

P.V