Yếu tố rủi ro số một của ung thư phổi

Hà An

(Dân trí) - Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất và liên quan đến 9/10 trường hợp ung thư phổi ở nam giới và 8/10 trường hợp ở nữ giới.

Các yếu tố nguy cơ là bất cứ điều gì có thể làm tăng khả năng mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi bao gồm:

- Thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào...

- Khói thuốc.

- Tiếp xúc với radon.

- Tiền sử gia đình.

- Bệnh về phổi.

- Nhiễm HIV. 

Yếu tố rủi ro số một của ung thư phổi - 1

- Các yếu tố rủi ro nghề nghiệp và môi trường (ô nhiễm không khí, bức xạ, amiăng, khí thải diesel và một số dạng silica và crom).

- Bổ sung beta carotene ở những người nghiện thuốc lá nặng.

- Asen (được tìm thấy chủ yếu trong nước uống từ các giếng tư nhân).

Trong đó, theo Verywell Health, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Không hút thuốc, tránh khói thuốc hoặc bỏ hút thuốc có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi. 

Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).

Các triệu chứng của ung thư phổi

Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà triệu chứng sớm khác nhau tùy mỗi người. Sau đây là 5 triệu chứng hay gặp nhất mà bạn cần đi khám ngay:

- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân: với tất cả trường hợp ho kéo dài trên 2 tuần, đã điều trị nhưng không có hiệu quả.

- Ho máu: Đây là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. Thường được mô tả là ho ra đờm nhuốm ít máu đỏ tươi, trong vài ngày liên tiếp, thậm chí số lượng máu tăng dần theo thời gian.

- Đau ngực: Đôi khi chỉ đau âm ỉ, đau tăng lên khi ho, thường đau 1 bên ngực hoặc có thể lan lên vai, lan ra sau lưng.

- Khó thở là triệu chứng khá thường gặp trong ung thư phổi. Mới đầu có thể khi vận động mạnh, leo cầu thang, khi bệnh tiến triển gây khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.

- Gầy sút cân, mệt mỏi: Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, mà chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1-2 tháng.

Phòng ung thư phổi

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.