1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Yếu cơ và liệt – coi chừng thiếu kali

(Dân trí) - Thiếu kali có thể xảy ra nếu một người không nhận được đủ kali từ chế độ ăn hoặc bị mất quá nhiều kali do tiêu chảy hoặc nôn mửa kéo dài. Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ thiếu kali nặng hay nhẹ nhưng có thể bao gồm huyết áp cao, táo bón, các vấn đề về thận, yếu cơ, mệt mỏi và các vấn đề về tim.

Kali là một dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần cho một loạt các chức năng, bao gồm giữ cho tim đập. Thiếu kali nghiêm trọng được gọi là hạ kali máu, và xảy ra khi nồng độ kali giảm xuống dưới 3,6 milimol/lít máu (mmol/L).

Yếu cơ và liệt – coi chừng thiếu kali - 1

Hạ kali máu nặng - một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng – là khi nồng độ kali dưới 2,5 mmol/L.

Một số triệu chứng của thiếu kali

Táo bón

Kali đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển thông tin từ não đến cơ bắp và điều hòa co cơ. Nồng độ kali thấp có thể ảnh hưởng đến các cơ trong ruột, có thể làm chậm quá trình lưu thông thức ăn và chất thải. Tác động này trên ruột có thể gây táo bón và chướng bụng.

Yếu cơ

Thiếu kali có thể ảnh hưởng đến các cơ khác trong cơ thể, bao gồm cả những cơ ở tay và chân, có thể dẫn đến yếu cơ và chuột rút.

Chúng ta sẽ mất một lượng nhỏ kali qua mồ hôi, đó là lý do tại sao đổ mồ hôi nhiều do hoạt động thể chất mạnh hoặc ở nơi có thời tiết nóng thường có thể dẫn đến yếu cơ hoặc chuột rút.

Mệt mỏi không giải thích được

Kali là một chất dinh dưỡng thiết yếu có trong tất cả các tế bào và mô của cơ thể. Mức kali giảm có thể ảnh hưởng đáng kể đến một loạt các chức năng của cơ thể, dẫn đến gảm sinh lực và mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần.

Huyết áp cao

Nồng độ kali thấp có thể dẫn đến tăng huyết áp, đặc biệt ở những người có khẩu phần natri hoặc muối cao. Kali có vai trò quan trọng trong việc thư giãn các mạch máu, giúp giảm huyết áp.

Kali cũng giúp cân bằng nồng độ natri trong cơ thể. Một chế độ ăn nhiều muối natri là nguyên nhân phổ biến của huyết áp cao. Các bác sĩ thường khuyên những người bị huyết áp cao nên giảm lượng natri và tăng lượng kali.

Đa niệu

Thận chịu trách nhiệm loại bỏ các chất thải và điều chỉnh mức chất lỏng và chất điện giải, như natri và kali, trong máu. Thận làm điều này bằng cách thải chất thải và chất điện giải thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Hạ kali máu từ trung bình đến nặng có thể cản trở khả năng của thận cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong máu, và điều này có thể dẫn đến tăng đi tiểu, được gọi là đa niệu.

Liệt cơ

Những người bị hạ kali máu nặng có thể bị liệt cơ. Khi nồng độ kali trong cơ thể rất thấp, cơ bắp không thể co đúng cách và có thể ngừng hoạt động hoàn toàn.

Vấn đề về hô hấp

Hạ kali máu nặng cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Hô hấp đòi hỏi phải sử dụng một số cơ, đặc biệt là cơ hoành. Nếu mức kali xuống rất thấp, những cơ này có thể không hoạt động bình thường. Người bệnh có thể khó thở sâu hoặc có thể cảm thấy rất khó thở.

Nhịp tim không đều

Một triệu chứng khác của hạ kali máu nặng là nhịp tim không đều. Kali đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động co của tất cả các cơ, bao gồm cả cơ tim.

Mức kali trong cơ thể rất thấp có thể dẫn đến nhịp tim không đều, bao gồm nhịp chậm xoang, nhịp nhanh thất và rung thất. Nếu không được điều trị, những tình trạng này có thể đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ có thể phát hiện nhịp tim không đều thông qua điện tâm đồ.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Những người có triệu chứng hạ kali máu nên đi khám bác sĩ.

Hạ kali máu phổ biến hơn ở những người bị bệnh viêm ruột (IBD) và các bệnh về đường tiêu hóa gây tiêu chảy hoặc nôn nghiêm trọng hoặc kéo dài. Một số loại thuốc, như thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu, cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu kali.

Cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức cho các triệu chứng hạ kali máu nặng, như liệt cơ, khó thở hoặc nhịp tim không đều.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu đơn giản để xác định nồng độ kali. Xét nghiệm bao gồm lấy một mẫu máu nhỏ từ tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay.

Để xác định căn nguyên của tình trạng thiếu kali, bác sĩ cũng sẽ xem xét tiền sử bệnh của người đó và những thuốc mà họ đang dùng.

Bác sĩ đôi khi có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:

• Xét nghiệm máu kỹ hơn để kiểm tra chỉ số của các chất điện giải khác, như phốt pho, canxi và magiê.

• Xét nghiệm nước tiểu để xác định lượng kali thoát khỏi cơ thể.

Các xét nghiệm khác có thể cần thiết tùy thuộc vào tiền sử bệnh và triệu chứng của bệnh nhân.

Điều trị

Yếu cơ và liệt – coi chừng thiếu kali - 2

Ăn thực phẩm giàu kali, chẳng hạn như quả mơ khô, có thể giúp điều trị thiếu kali.

Loại điều trị thiếu kali sẽ phụ thuộc vào triệu chứng và mức độ giảm kali của người bệnh.

Đối với những người bị hạ kali máu nhẹ, bác sĩ có thể khuyên:

• Dừng hoặc giảm liều của các thuốc nào có thể gây hạ kali.

• Uống bổ sung kali hàng ngày.

• Ăn nhiều thực phẩm giàu kali, như trái cây và rau.

• Dùng các loại thuốc có thể làm tăng kali trong cơ thể, như thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc phong bế thụ thể angiotensin.

Những người bị hạ kali máu nặng cần điều trị ngay lập tức, và bác sĩ có thể cho truyền kali tĩnh mạch. Tuy nhiên, cần rất cẩn thận khi kê đơn điều trị hạ kali máu vì có thể khiến người bệnh nhân được quá nhiều kali, dẫn đến tăng kali máu.

Tăng kali máu nặng cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về cơ và tim.

Nguồn thực phẩm

Theo Office of Dietary Supplements, lượng kali khuyến nghị hàng ngày là:

• 3.400 miligam (mg) cho nam giới trưởng thành

• 2.600 mg cho nữ trưởng thành

Kali có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây, rau, thịt, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt và ngũ cốc. Cơ thể hấp thụ khoảng 85 đến 90% kali trong các nguồn thực phẩm.

Ví dụ về thực phẩm giàu kali bao gồm:

• Quả mơ khô: 1.101mg/nửa cup

• Đậu lăng nấu chín: 731mg/cup

• Mận khô: 699mg/nửa cup

• Nước cam: 496mg/cup

• Chuối: 422mg/quả chuối cỡ trung bình

• 1% -fat sữa: 366mg/cup

• Rau bina: 334mg mỗi 2 cốc

• Sữa chua trái cây không béo: 330 mg/180ml

• Súp lơ xanh nấu chín, xắt nhỏ: 229 mg/nửa cup

• Gạo lức nấu chín: 154mg/cup

Cách tốt nhất để có đủ kali là ăn chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh.

Tóm lại

Thiếu kali, hoặc hạ kali máu, có thể xảy ra nếu một người không nhận được đủ kali từ chế độ ăn. Nôn nặng hoặc tiêu chảy, IBD và một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ thiếu kali.

Các triệu chứng hạ kali máu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thiếu kali, nhưng có thể bao gồm táo bón, các vấn đề về cơ, mệt mỏi và các vấn đề về tim. Hạ kali máu nặng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Cách tốt nhất để có đủ kali là ăn chế độ ăn đa dạng bao gồm nhiều trái cây và rau.

Cẩm Tú

Theo MNT