TPHCM:
Yêu cầu quan tâm căn bệnh khiến bác sĩ hoài nghi, mất kiểm soát công việc
(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết, căng thẳng và kiệt sức có thể được tạo ra bởi khối lượng công việc quá mức, giờ làm việc quá mức, khiếu nại từ bệnh nhân và các thủ tục hành chính bác sĩ phải làm.
Ngày 16/1, Sở Y tế TPHCM cho biết, các lãnh đạo bệnh viện cần quan tâm đến hội chứng "Burnout".
Theo đó, biểu hiện của hội chứng "Burnout" bao gồm kiệt sức, hoài nghi và giảm hiệu quả công việc. Hội chứng này có thể xảy ra ở nhân viên trong mọi lĩnh vực, nhưng hay gặp nhất ở những người làm việc trong môi trường có mối liên quan mật thiết giữa người với người, như giáo viên, nhân viên xã hội, nhân viên cảnh sát và nhân viên y tế.
Các chuyên gia quản lý và tâm lý đã chỉ ra những yếu tố thuận lợi góp phần làm cho các bác sĩ mắc hội chứng "Burnout", bao gồm: Quá tải khối lượng công việc của người thầy thuốc, gánh nặng công việc hành chính, môi trường thực hành không đạt hiệu quả mong muốn, mất kiểm soát công việc, tích hợp giữa công việc và cuộc sống, ý nghĩa công việc bị xói mòn.
Căng thẳng và kiệt sức có thể được tạo ra bởi một sự kết hợp của khối lượng công việc quá mức, giờ làm việc quá mức, khiếu nại từ bệnh nhân, và các thủ tục hành chính mà bác sĩ phải làm.
Đáng chú ý, bệnh án điện tử (EHR) dường như đã làm tăng thêm gánh nặng hành chính, làm cho các bác sĩ bị phân tâm và giảm tương tác với bệnh nhân.
Ngoài ra, những yêu cầu chi tiết về thủ tục hành chính của các công ty bảo hiểm y tế để đảm bảo được chi trả cũng là một gánh nặng cho các bác sĩ.
Một nghiên cứu quan sát trực tiếp 57 bác sĩ trong 430 giờ làm việc cho thấy, các bác sĩ chỉ dành khoảng 33% số giờ làm việc để thực hiện công việc lâm sàng trực tiếp với bệnh nhân. Trong khi đó, 49% thời gian để hoàn thành công tác hành chính và tương tác với bệnh án điện tử.
Các chuyên gia tâm lý đã mô tả 3 triệu chứng chính của hội chứng "Burnout". Thứ nhất là kiệt sức (cảm giác thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi), với các dấu hiệu thể chất hay gặp như đau dạ dày, ruột.
Thứ hai là hoài nghi, thấy công việc ngày càng căng thẳng và bực dọc, mất khả năng đồng cảm và kết nối, thậm chí hay đổ lỗi, hoặc cảm thấy tội lỗi. Thứ ba là giảm hiệu suất, rất tiêu cực về nhiệm vụ của họ, thấy khó tập trung, không biết lắng nghe và thiếu sự sáng tạo.
Hệ quả của hội chứng "Burnout" là việc cá nhân sẽ dần đi vào trầm cảm, sẽ có những hệ lụy xấu nếu không được can thiệp kịp thời, còn tổ chức thì khó đạt hiệu quả mong muốn và ngày càng xấu hơn.
Cũng theo Sở Y tế TPHCM, "Burnout" là hội chứng khá đặc thù dành riêng cho nhân viên y tế, không chỉ xảy ra ở các bác sĩ điều trị mà còn ảnh hưởng và tác động lên cả các loại hình nhân viên y tế khác.
Hiện nay, hệ thống bệnh viện của nhiều nước đang trải qua những thay đổi to lớn nhằm thích ứng với những yêu cầu mới.
Đó là những yêu cầu nghiêm ngặt trong chi trả của bảo hiểm y tế, đến áp lực tự chủ tài chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiến đến bệnh án điện tử, yêu cầu về chất lượng bệnh viện ngày càng khó khăn hơn… dẫn đến những kỳ vọng lớn hơn về năng suất, khối lượng công việc và giảm tính tương thích của bác sĩ, và các nhà quản lý bệnh viện.
Sở Y tế TPHCM nhận định, việc biết được những yếu tố thuận lợi gây ra hội chứng "Burnout" và các hệ quả xấu của nó nhằm có những giải pháp chủ động và hợp lý hơn. Đây là thách thức không nhỏ đối với những ai làm công tác quản trị bệnh viện.
Trước đó, vào ngày 15/1, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM xác nhận với phóng viên Dân trí, có một trường hợp nhân viên y tế tử vong tại nơi làm việc.
Thông tin ban đầu, người tử vong là ông P.H.N., Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Từ Dũ (quận 1). Ghi nhận của phóng viên ở thời điểm 12h cùng ngày, khu vực trước phòng Tài chính - Kế toán của bệnh viện trên bị giăng dây phong tỏa. Bên trong phòng, lực lượng công an làm việc với những người có liên quan.
Nguyên nhân cán bộ trên tử vong vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.