1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Y tế Việt Nam có “vỡ trận” khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt?

(Dân trí) - Không ít người có suy nghĩ rằng, Việt Nam đang cơ bản khống chế thành công Covid-19 là vì chúng ta có ít ca bệnh và hầu hết đều có bệnh lý nhẹ. Vậy nhận định của chuyên gia truyền nhiễm như thế nào?

Cùng với suy nghĩ này là nỗi băn khoăn nền y tế nước nhà “vỡ trận” trong kiểm soát dịch bệnh nếu số ca nhiễm tăng vọt như ở Vũ Hán.

Y tế Việt Nam có “vỡ trận” khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt? - 1

Về nỗi băn khoăn này, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phân tích: “Với bất cứ một hệ thống y tế nào thì cũng chỉ có khả năng đáp ứng ở một mức độ nhất định. Đương nhiên, nếu vượt qua khả năng đáp ứng đó thì chất lượng điều trị sẽ suy giảm đi”.

Trong tình huống xấu với số lượng bệnh nhân nhiều hơn, theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm này, Bộ Y tế đã có các chiến lược ứng phó và cung ứng khả năng chăm sóc tốt nhất thông qua “Bốn tại chỗ”: Điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ. Chỉ những bệnh nhân nặng mới cần chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, nơi có khả năng can thiệp tốt hơn.

“Lấy ví dụ, Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là tuyến 1, Bệnh viện Phổi Trung ương và một số bệnh viện khác là tuyến 2, các bệnh viện tỉnh có thể là tuyến 2 hoặc tuyến 3… Các bệnh viện tuyến dưới luôn nhận được sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên về mặt nhân lực và trang thiết bị. Nếu như không may rơi vào trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều hơn, chúng ta vẫn bảo đảm được việc điều trị chất lượng cao” – BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Theo quan điểm cá nhân, BS Cấp cho rằng, nếu số lượng bệnh nhân không quá nhiều thì hệ thống y tế của chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng được, dựa trên chiến lược phân tuyến điều trị. Trên thực tế, Bộ Y tế cũng đã xây dựng các phương án sẵn sàng chống dịch cho mức độ lên đến nhiều nghìn bệnh nhân.

Y tế Việt Nam có “vỡ trận” khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt? - 2

Cảnh giác, không chủ quan trước dịch Covid-19 là cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch đã lan rộng ra hơn 50 quốc gia, đặc biệt diễn biến phức tạp ở nhiều nơi nằm ngoài tâm dịch như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải giữ được sự bình tĩnh không nên quá hoang mang, lo lắng bởi thực tế đã chứng minh: Ngành y tế Việt Nam có bản lĩnh chống dịch và đã được rèn luyện từ lâu.

BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ: “Về công tác tổ chức, cứ mỗi mùa dịch, nếu khởi đầu có một số điểm chưa ổn thì ngay lập tức được rút kinh nghiệm và được điều chỉnh từ công tác tổ chức cách ly, truyền thông nguy cơ cho đến tổ chức hậu cần, nhân sự. Cứ mỗi một mùa dịch chúng ta đều triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các tuyến, cho nên càng ngày năng lực của các tuyến tham gia vào quá trình chống dịch càng tốt lên”.

Y tế Việt Nam có “vỡ trận” khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt? - 3

Kinh nghiệm đối phó với bệnh truyền nhiễm đã hỗ trợ rất nhiều cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này. “Một trong những kinh nghiệm sống còn mà chúng ta học được từ dịch SARS là việc không sử dụng khu cách ly đóng kín, mà sử dụng các khu cách ly mở. Do vậy, việc cách ly và điều trị, chúng ta có thể đưa về địa phương và thậm chí có thể đưa về đến phòng khám khu vực như ở Vĩnh Phúc mà vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt”. Theo phân tích của BS Cấp, khu cách ly mở là sự áp dụng linh hoạt, sáng tạo biện pháp phòng, chống dịch đối với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Trong khi đó, ở Vũ Hán người ta buộc phải dùng khu cách ly kín như phòng áp lực âm. Cũng như chiến lược “Bốn tại chỗ” của chúng ta khác với “Bốn tập trung” ở Trung Quốc. Không phải là cái nào ưu thế hơn cái nào, mà là mỗi chiến lược sẽ phù hợp hơn với hoàn cảnh mỗi nước.

Theo BS Cấp, người dân cần đặt niềm tin vào ngành y tế nước nhà bởi nhiệm vụ chống dịch đang được thực hiện rất tốt, rất chặt chẽ, kịp thời. Ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam thì tất cả các hệ thống chống dịch đã được khởi động. Hơn nữa, việc làm tốt công tác thông tin nội bộ cũng giúp cho công tác hỗ trợ của các tuyến cũng tốt dần lên. Việc điều trị mặc dù là ở các tuyến khác nhau nhưng quy trình điều trị và kỹ thuật cũng không khác nhau nhiều lắm do có sự liên kết, chuyển giao kỹ thuật cũng như tăng cường của tuyến trên cho tuyến dưới.

“Một điều cực kỳ quan trọng nữa là sự tham gia của người dân. Qua mỗi một mùa dịch, nhận thức của người dân đều tăng lên rõ rệt như việc rửa tay, đeo khẩu trang ... và tôi nghĩ rằng đó không phải là kinh nghiệm của riêng Bộ Y tế mà là của toàn dân. Điều đó cũng đóng góp một phần cho năng lực chống dịch của chúng ta tăng lên” – Chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh.

Minh Nhật

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm