1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ý nghĩa của mỗi lần khám thai

(Dân trí) - Trong suốt thời kỳ thai nghén, mỗi lần khám thai đều mang một ý nghĩa riêng và sản phụ không nên bỏ qua bất cứ lần khám thai nào.

Bác sĩ Jean Claude Tissot - Bệnh viện Việt Pháp cho biết về ý nghĩa của mỗi lần khám thai định kỳ:

 

Lần khám đầu tiên:

 

Sau 3 tuần bị chậm kinh cùng với sự xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng, người mẹ cần đi khám để được siêu âm. Lần siêu âm đầu tiên này khẳng định thai nhi đang phát triển. Cũng trong lần khám đầu này, người mẹ sẽ bắt buộc phải làm xét nghiệm máu.

 

Lần khám thứ 2:

 

Sản phụ cần đi khám lần 2 ở giữa tuần 11 - 12. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để tính ngày thụ thai chính xác và xem thai nhi có phát triển hay không?

 

Lần khám thứ 3:

 

Ở tuần 16, sản phụ sẽ được thăm khám thông thường và theo dõi thai nhi. Dựa vào tình trạng sức khoẻ của thai phụ mà bác sĩ yêu cầu phải làm thêm một số xét nghiệm nếu cần.

 

Lần khám thứ 4:

 

Bước sang tuần 21 - 22, dù sản phụ vẫn cảm nhận được sự lớn lên từng ngày của thai nhi nhưng vẫn cần được thăm khám và siêu âm hình thể của thai nhi nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường (nếu có) của thai nhi.

 

Lần khám thứ 5:

 

Sản phụ cần khám lần 5 ở tuần 26. Ngoài việc thăm khám như những lần khám trước, người mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván mũi đầu tiên hoặc mũi nhắc lại.

 

Lần khám thứ 6:

 

Ở tuần 31 đến 32, sản phụ vẫn tiến hành khám, theo dõi và làm siêu âm lần cuối cùng. Cũng trong lần khám này, người mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 2.

 

Lần khám thứ 7:

 

Bước sang tuần 36, sản phụ bắt buộc phải đi khám theo dõi. Trong lần khám này, ngoài bác sĩ sản, sản phụ sẽ được bác sĩ gây mê khám. Đây cũng là lần khám để đưa ra tiên lượng về phương pháp sinh: sinh thường hay phải mổ đẻ.

 

Lần khám thứ 7 này có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài xác định cách thức sinh, bác sĩ sẽ khám xem cổ tử cung sản phụ có luôn được đóng kín không? Sản phụ có nguy cơ dọa đẻ non không? Xem xét các cử động thai, tim thai có bình thường không và làm xét nghiệm dịch âm đạo tìm khuẩn liên cầu nhóm B. 

 

Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ yêu cầu sản phụ khám, xét nghiệm, siêu âm thêm để theo dõi các biến chứng thai nghén, theo dõi nước ối, ngôi thai, tình trạng bám của rau thai…

 

Vì vậy, sản phụ cần đi khám thai theo đúng định kỳ và ngay từ khi mang thai phải luôn được bác sĩ sản khoa khám, theo dõi thai định kỳ.

 

Hồng Hải