Ý nghĩa của hóa trị liệu trong điều trị ung thư buồng trứng

Tú Anh

(Dân trí) - Ung thư buồng trứng thường gặp nhất ở nữ giới, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Căn bệnh này có nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, điều trị thuốc trúng đích...

TS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K cho biết, mỗi năm tại Việt Nam phát hiện hàng nghìn ca mới mắc ung thư buồng trứng. Căn bệnh này diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, triệu chứng không rõ rệt và thường bị chị em phụ nữ bỏ qua.

Ý nghĩa của hóa trị liệu trong điều trị ung thư buồng trứng - 1

Triệu chứng mơ hồ

TS Chinh cho biết, các biểu hiện ban đầu của ung thư buồng trứng rất mơ hồ, dễ bị mọi người bỏ qua, hoặc lầm tưởng là triệu chứng của các căn bệnh nhẹ khác. Tuy nhiên, khi xuất hiện các dấu hiệu này, chị em không nên chủ quan vì chúng rất có thể là các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng:

- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới.

- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.

- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang.

- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ.

- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.

- Đau khi quan hệ tình dục.

Điều trị như thế nào?

TS Chinh cho biết, đối với bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng, có nhiều phương pháp điều trị.

- Phẫu thuật

Với ung thư buồng trứng giai đoạn đầu, phẫu thuật luôn được lựa chọn đầu tiên.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, lượng tế bào ung thư còn sót lại có thể được điều trị bằng hóa trị hay xạ trị. Thông thường, bệnh nhân sẽ phải cắt buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, cắt mạc nối, và các hạch ở ổ bụng. Nhưng nếu bệnh nhân muốn có con, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các bộ phận chưa bị tế bào ung thư xâm lấn.

Với phương pháp mổ, có thể lựa chọn mổ mở hay mổ nội soi tùy vào tình trạng của bệnh nhân.

- Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể được đưa vào cơ thể thông qua tiêm tĩnh mạch, uống hoặc đưa trực tiếp vào ổ bụng nhờ một ống thông. 

Hóa trị liệu thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư buồng trứng ở giai đoạn tiến triển hoặc giúp loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Sau khi sử dụng thuốc, bác sĩ có thể cho bệnh nhân kiểm tra mẫu mô và dịch để đánh giá đáp ứng với thuốc.

Thuốc không chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà còn gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường. Các tác dụng phụ của phương pháp hóa trị có thể bao gồm: nôn, buồn nôn, rụng tóc, chán ăn, sạm da, mệt mỏi,... Một số thuốc điều trị ung thư buồng trứng có thể gây tổn thương đến thận, do đó bệnh nhân cần truyền nhiều dịch để bảo vệ thận.

- Xạ trị

Xạ trị là dùng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia phóng xạ có thể xuất phát từ một máy bên ngoài cơ thể hoặc dung dịch phóng xạ được đưa vào ổ bụng bệnh nhân. Tia xạ có thể ảnh hưởng đến cả tế bào ung thư và tế bào bình thường. Phương pháp này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như: chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy,... Tác dụng phụ thường phụ thuộc vào liều lượng và vùng cơ thể bị chiếu xạ.