Xương gà chắn ngang thực quản nữ bệnh nhân, đe dọa tính mạng
(Dân trí) - Tại thời điểm vào viện, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị hóc xương gà đâm vào sâu vào 1/3 dưới thực quản. Đáng lo ngại nhất, dị vật sắc, cứng này nằm ngang mức đốt sống ngực 3 (vùng trung thất) có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy cơ tử vong cho bệnh nhân trước, trong và sau ca phẫu thuật.
ThS.BS Đặng Trung Thành – Phó Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E cho biết, sáng 7/11 các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công trường hợp hóc xương gà nguy hiểm. Đây là bệnh nhân nữ (36 tuổi, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Theo BS Thành, tại thời điểm nhập viện bệnh nhân không khó thở, không ho sốt nhưng có tình trạng nuốt khó, đau đớn, không ăn được, đau tức ngực.
Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân tiến hành nội soi dạ dày, phát hiện dị vật bám chắc vào hai bên thực quản. Đáng nói, bệnh nhân đã bị hóc dị vật cả tuần trước đó, khi ăn thịt gà không may nuốt phải một mảnh xương.
Người nhà bệnh nhân cho biết, khi bệnh nhân bị hóc đã được chữa mẹo đủ kiểu, uống sữa… để mong xương tiêu. Đến khi đau nuốt không nổi mới đến bệnh viện.
Theo BS Thành, do mảnh xương xâm lấn vào thực quản của bệnh nhân, các bác sĩ đã chỉ định chụp CT, xác định có hình dị vật ngang đốt sống ngực 3 (vùng trung thất).
“Đây là điều rất nguy hiểm bởi dị vật đã tồn tại cả một tuần nay, có thể có biến chứng áp xe, nhiễm trùng nặng. Đặc biệt, dị vật nằm trên quai động mạch chủ gần vị trí động mạch cảnh trái, khi can thiệp rút dị vật có thể xảy ra tình trạng chảy máu do dị vật (xương gà) cắm vào, và tràn khí trung thất do di vật gây thủng thực quản. Các vấn đề này được các bác sĩ hội chẩn, quyết định phải can thiệp cho bệnh nhân dù nguy hiểm. Bởi càng để lâu, càng có nguy cơ áp xe, nhiễm trùng thực quản, phổi, áp xe phổi gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh”, BS Thành nói.
Sau 30 phút tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra dị vật là một mảnh xương gà hình chữ L (cắm sâu vào thực quản và gây 2 vết loét đối xứng nhau, trong đó một vết loét sâu qua lớp cơ thực quản nhưng hiện tại chưa gây thủng thực quản.
Bệnh nhân được đặt xông dạ dày nội soi qua vết loét để tránh gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh như trong quá trình đặt không làm tổn thương thêm vết loét. Bệnh nhân được nuôi xông hoàn toàn tránh vết loét nặng thêm và gây các biến chứng tiếp theo.
Bệnh nhân cần theo dõi tại viện ít nhất 7 -10 ngày tới nếu không gặp biến chứng và điều trị tốt thuốc kháng sinh phổ rộng, chống viêm giảm phù nề, giảm tiết axit dạ dày...
Qua trường hợp này, BS Thành khuyến cáo khi bị hóc dị vật, nhất là dị vật sắc nhọn mọi người đừng cố chữa mẹo, chờ đợi để dị vật “tiêu” đi. Việc chữa mẹo, rồi làm đủ mẹo như ăn miếng to, móc họng…đều có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc đâm sâu hơn vào thực quản. Tuyệt đối không nên để quá lâu như bệnh nhân này vì vết loét sẽ nhiễm trùng nặng. Nhiều trường hợp đến viện sớm, bác sĩ chỉ làm thủ thuật đơn giản là có thể lấy được dị vật. Bệnh nhân khi bị hóc xương tuyệt đối không chữa mẹo hay bài thuốc dân gian vì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.
Hồng Hải