Xử trí khi bị khô, viêm loét miệng do xạ trị

(Dân trí) - Khi bị khô, viêm loét miệng do xạ trị, người bệnh cần tránh thức ăn khô, nóng, quả và nước trái cây giàu acid như cà chua, quả họ cam chanh, nho.

Xạ trị là phương pháp điều trị phổ biến nhất trong điều trị ung thư. Đây là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa, năng lượng cao như tia X, tia gamma, hạt nguyên tử electron, hạt beta, các điện tử để tiêu diệt tế bào ung thư.

Hiện nay, xạ trị vẫn đang là một phương pháp điều trị quan trọng, hàng đầu và được sử dụng điều trị kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, dinh dưỡng nhằm gia tăng tỷ lệ sống thêm, giảm tỷ lệ tái phát của người bệnh ung thư.

Tác dụng phụ của xạ trị thường xảy ra ở tuần điều trị thứ hai và thứ ba, có thể phản ứng mạnh nhất ở tuần thứ tư và thứ năm trước khi kết thúc liệu trình điều trị và tiếp tục trong khoảng 2-3 tuần sau điều trị. 

Xạ trị vùng đầu cổ có thể gây các vấn đề về miệng. Người bệnh có thể thấy đau miệng như một vết cắt nhỏ hoặc khối u ở vùng miệng; khô miệng và họng; mất vị giác; sâu răng; thay đổi vị giác (cảm thấy vị kim loại khi ăn thịt). Một số bị viêm lợi, viêm lưỡi hoặc hạn chế vận động hàm hoặc thay đổi xương hàm, giảm tiết nước bọt.

Xử trí khi bị khô, viêm loét miệng do xạ trị - 1

Biện pháp khắc phục:

- Khám nha khoa: Khoang miệng cần đảm bảo sạch sẽ, khỏe mạnh trước khi xạ trị vùng đầu cổ. Người bệnh cần đi khám nha khoa vài tuần trước khi bắt đầu xạ trị.

- Kiểm tra miệng hàng ngày: cần kiểm tra các vấn đề về miệng bao gồm đau miệng, nhiễm trùng, các vết đốm trắng trong miệng.

- Giữ miệng ẩm ướt

- Uống nước từng ngụm nhỏ trong ngày.

- Nhai kẹo cao su không đường.

- Sử dụng nước bọt nhân tạo.

- Vệ sinh răng, miệng, lợi, lưỡi sạch sẽ.

- Đánh răng, chải lưỡi sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.

- Sử dụng bàn chải răng mềm mại, có thể làm phần lông chải mềm hơn bằng việc sử dụng nước ấm.

- Sử dụng kem đánh răng chứa fluoride.

- Sử dụng loại gel chứa fluoride đặc biệt.

- Không sử dụng nước súc miệng chứa cồn.

- Súc miệng mấy tiếng một lần bằng nước muối. Có nhiều công thức nước súc miệng, người bệnh có thể trộn 1/4 thìa baking soda và 1/4 thìa muối với 4 cốc nước ấm (1 lít nước) để làm nước súc miệng.

Dưới đây GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) lưu ý một số vấn đề trong ăn uống với người bị khô, viêm loét miệng do xạ trị.

Lựa chọn thực phẩm khi bị đau miệng

- Chọn thực phẩm dễ nhai và dễ nuốt.

- Ăn miếng nhỏ, nhai chậm và uống từng ngụm dung dịch nhỏ.

- Ăn mềm, thực phẩm ướt, trơn, dễ nuốt như ngũ cốc ninh nhừ, khoai tây nghiền hoặc khuấy trứng với bơ/sữa.

- Ăn thực phẩm ấm hoặc thực phẩm ở nhiệt độ phòng.

Tránh thực phẩm gây đau, tổn thương miệng

- Thức ăn khô, cứng, dạng to ăn liền.

- Thực phẩm nóng.

- Thực phẩm cay như sốt cay, cà ri, sốt salsa và ớt.

- Quả và nước trái cây giàu acid như cà chua.

- Quả họ cam chanh, nho.

- Tất cả loại thuốc lá: xì gà, thuốc lá dạng nhai, tẩu thuốc.

- Đồ uống có cồn.

- Tránh thực phẩm và đồ uống có lượng đường cao: kẹo, kẹo cao su, soda có thể gây sâu răng

Ngoài ra, người bệnh có thể tập các cơ hàm. Cụ thể là mở và đóng miệng 20 lần nếu người bệnh không cảm thấy đau. Tập các động tác này 3 lần mỗi ngày ngay cả khi không bị cứng hàm.

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm