Xử lý thế nào khi ngộ độc thực phẩm ngày Tết?

(Dân trí) - Những món ăn đa dạng ngày Tết có thể khiến nhiều người có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Phải xử lý thế nào khi gặp trường hợp bị ngộ độc thực phẩm?

Trong các dịp lễ Tết, việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn hoặc không được bảo quản đúng cách sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất. Khi ăn phải những thực phẩm này, cơ thể của chúng ta sẽ bị ngộ độc. 

Vậy phải xử lý như thế nào khi bị ngộ độc thực phẩm? Buổi trò chuyện cùng bác sĩ của bệnh viện Đại học Y Dược sẽ giúp bạn đọc có thêm các kiến thức cần thiết và cách xử lý khi người nhà hoặc chính bản thân bị ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm, cách nhận biết và phòng tránh an toàn

Thưa bác sĩ, nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm là gì?

BS CKI Nguyễn Thị Diễm Hà: Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc.

Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể do các độc tố của vi khuẩn (thường gặp vi khuẩn Salmonella, E. Coli); do nhiễm virus hay ký sinh trùng; hay do thực phẩm bị nhiễm độc (chất hoá học, chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm hoặc do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất sinh ra).

Hậu quả của ngộ độc thực phẩm thường gặp trong trường hợp nhẹ là bị mất nước, mệt mỏi; trường hợp nặng  gây sốc, tổn thương cơ quan và thậm chí tử vong.

Những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm là gì thưa bác sĩ? Làm thế nào để phân biệt được ngộ độc thực nhẹ có thể xử lý tại nhà và ngộ độc nặng phải đưa đi bệnh viện?

BS CKI Nguyễn Thị Diễm Hà: Các biểu hiện khi cơ thể bị ngộ độc thực phẩm bao gồm: buồn nôn, nôn nhiều lần hay nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sốt.

Dấu hiệu mất nước bao gồm mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.

Ở giai đoạn nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và biểu hiện bằng các dấu hiệu báo động như tiêu phân lỏng trên 6 lần ngày, đi tiêu ra máu, ói ra máu, sốt trên 38,5 độ không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội…

Ngay khi có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, bạn nên bù đủ dịch sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo. Khi các dấu hiệu mất nước hay dấu hiệu tăng lên đến mức báo động, bạn phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Xử lý thế nào khi ngộ độc thực phẩm ngày Tết? - 1

Thưa bác sĩ, sau khi phát hiện các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, chúng ta có thể làm gì để sơ cứu tạm thời cho người bị ngộ độc?

BS CKI Nguyễn Thị Diễm Hà: Nếu nghi ngờ một người bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần chú ý bù dịch sớm. Có thể sử dụng dung dịch điện giải bằng cách pha hỗn hợp muối, đường theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Hoặc có thể mua các dung dịch điện giải được bán sẵn ở các nhà thuốc (trên dung dịch điện giải có hướng dẫn cụ thể cách pha). 

Nếu bệnh nhân có tiêu chảy, cần cho bệnh nhân uống dung dịch điện giải bằng với lượng bệnh nhân đã tiêu chảy xong. Nếu bệnh nhân không có tiêu chảy, chỉ cần cho bệnh nhân uống nhiều nước bình thường.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân chỉ nên ăn nhẹ và ít chất béo.

Khi có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm thì bệnh nhân cần chú ý nghỉ ngơi. Nếu có dấu hiệu mất nước nhiều và có những dấu hiệu về ngộ độc nặng như đã đề cập thì cần đưa bệnh nhân nhập viện càng sớm càng tốt.

Vào dịp Tết, các loại thức ăn được nạp vào cơ thể mỗi người sẽ tăng cao hơn ngày thường, bác sĩ có lời khuyên gì dành cho bạn đọc về việc ăn uống vào những ngày này?

BS CKI Nguyễn Thị Diễm Hà: Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết, bạn nên lựa chọn thực phẩm tươi sống và đã được kiểm định an toàn vệ sinh. Đối với các loại thức ăn đã được chế biến sẵn, nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, bạn nên bảo quản thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.

Cần nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp, các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ nhiều lần trước khi ăn.

Nên sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì cần bảo quản lạnh và hâm lại trước khi ăn. Loại bỏ các thức ăn dư thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn.

Bên cạnh đó, nên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm