Thanh Hóa:

Xử lý nghiêm hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn quanh trường học

(Dân trí) - Thời gian qua, xuất hiện thực trạng kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc... dẫn đến nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và người tiêu dùng. Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khu vực trường học.

Thời gian qua, tại một số khu vực cổng trường trên địa bàn Thanh Hóa có bày bán nhiều loại bánh kẹo, đồ ăn vặt... phần lớn đều không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc kinh doanh thực phẩm quanh khu vực trường học.
Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc kinh doanh thực phẩm quanh khu vực trường học.

Ghi nhận của phóng viên, những loại thức ăn nhanh vỉa hè, như: Thịt xiên, bánh khoai, bánh chuối, bánh kẹo, kẹo nổ... được bày bán tại nhiều cổng trường học.

Một phụ huynh, cho biết: “Nhiều loại bánh kẹo có hình thức bắt mắt nên rất thu hút bọn trẻ. Khi ăn kẹo còn phát ra tiếng nổ lách tách trong miệng và khi dán hình lên tay thì thành các hình xăm nên các cháu rất thích. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về sự an toàn của các loại thực phẩm này đối với sức khỏe của các cháu”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số trường học trên địa bàn huyện Hậu Lộc, có rất nhiều quầy hàng bán các loại bánh kẹo cho học sinh. Có loại ghi tên tiếng Việt rõ ràng, cũng có những loại do nước ngoài sản xuất, thậm chí có những sản phẩm không nhãn mác, không hạn sử dụng với giá thành đa dạng chỉ khoảng từ 1.000 đồng/sản phẩm.

Mặc dù lo ngại các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, nhưng các nhà trường, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được biện pháp kiểm soát. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn “chiều” theo ý thích của con trẻ...

Trước thực trạng trên, ngày 5/12, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công văn số 15334/UBND-NN về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học trên địa bàn tỉnh này.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, tại các khu vực xung quanh trường học trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo quản thực phẩm không đúng quy định... dẫn đến nguy cơ mất SSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và người tiêu dùng.

Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thực phẩm tại các khu vực xung quanh trường học trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo các ngành, đơn vị và địa phương có liên quan.

Theo đó, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các kiến thức về an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm khi sử dụng các thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý tại các khu vực xung quanh trường học; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc và các nội dung vượt thẩm quyền.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt việc dẹp bỏ các tụ điểm kinh doanh tự phát; tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khu vực xung quanh trường học trên địa bàn quản lý.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.

Đối với các Sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các khu vực xung quanh trường học, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không quá 1 lần/năm.

Về phía Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.

Chỉ đạo các đơn vị, trường học chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến cáo các cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh không sử dụng thức ăn nhanh, đồ uống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh bày bán tại các khu vực xung quanh trường học.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm