Xơ hóa phổi- di chứng nghiêm trọng hậu Covid-19

Hà An

(Dân trí) - Bệnh Covid-19 gây tổn thương đa cơ quan, nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất là xơ hóa phổi, tắc mạch phổi. Bệnh nhân có tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng, ho kéo dài, đau tức ngực.

Đây là thông tin được PGS.TS Hoàng Thị Phượng, chuyên gia hô hấp Bệnh viện Đa khoa Medlatec trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên với chủ đề Quản lý chất lượng và phòng chống Covid-19 diễn ra tại Hà Nội mới đây. 

Theo PGS Phượng, nguyên nhân gây ra hội chứng hậu Covid-19 là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm-cytokine-xơ hóa- rối loạn đông máu. Ngoài ra còn tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo… 

Xơ hóa phổi- di chứng nghiêm trọng hậu Covid-19 - 1

Xơ hóa phổi, tắc mạch phổi là hai di chứng hậu Covid-19 nghiêm trọng nhất (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Các nghiên cứu đã chỉ ra những di chứng thể chất có thể gặp như xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, huyết khối tĩnh mạch, mệt mỏi… Tuy gây tổn thương đa cơ quan, nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất là xơ hóa phổi, tắc mạch phổi. Đây là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nề nhất ở hội chứng hậu Covid-19 với biểu hiện hô hấp thường là tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng, ho kéo dài, đau tức ngực, suy giảm chức năng hô hấp. 

Nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh xơ phổi do hậu Covid-19, gồm tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài; bệnh đồng mắc; bệnh phổi kẽ có từ trước; mức độ nặng ở giai đoạn cấp (thở máy, ARDS...). Việc tập phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện sớm cho người bệnh, PGS Phương cho biết.

Các bài tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm:

- Tập thở chúm môi: Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi; chúm môi và từ từ thở ra cho tới khi hết khả năng.

- Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên, thở ra chúm môi, đồng thời bụng hóp lại.

- Kỹ thuật tập ho có kiểm soát:

+ Người bệnh thở chúm môi khoảng 5-10 phút, giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế vừa.

+ Tròn miệng hà hơi 5 đến 10 lần, tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra khí quản.

+ Ho: Hít vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 2 lần, lần thứ nhất nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài.

- Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động: Thở có kiểm soát, căng giãn lồng ngực, hà hơi.

- Tập thở với các dụng cụ hỗ trợ: bóng, spiroball.

- Tập giãn cơ.

- Tập tăng sức mạnh sức bền với các dụng cụ tập tạ, bóng chày, băng chun, leo cầu thang, tập cơ đùi, tập cơ cẳng chân. 

Về theo dõi và tái khám, PGS Phượng lưu ý F0 có bệnh nền hô hấp như COPD, hen phế quản giãn phế quản, viêm phổi kẽ, ung thư phổi... cần kết hợp tái khám phục hồi chức năng ở những lần tái khám điều trị bệnh nền. Bệnh nhân có tổn thương phổi trên X-quang ảnh hưởng chức năng hô hấp hoặc suy giảm chức năng vận động thì cần hẹn tái khám sau một tháng. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm