Hà Nội:
Xét nghiệm rau, nước tìm khuẩn phẩy tả
(Dân trí) - Trung tâm Y tế dự phòng vừa tiến hành xét nghiệm 163 mẫu nước, thực phẩm nhằm phát hiện tỷ lệ phẩy khuẩn tả trong đó. Kết quả phân tích ban đầu chỉ phát hiện được một mẫu nước mặt ở khu vực phường Văn Chương có dương tính với khuẩn phẩy tả.
Cụ thể, đơn vị này đã tiến hành lấy ngẫu nhiên: 34 mẫu thịt chó, 31 mẫu rau sống, 17 mẫu nước mặt và nước sinh hoạt, 25 mẫu mắm tôm, 16 mẫu bún cùng nhiều mẫu khác...tại các chợ, siêu thị, cửa hàng ăn uống, đặc biệt lấy nhiều mẫu tại những khu vực đã có bệnh nhân mắc tả như: Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Kết quả phân tích ban đầu chỉ phát hiện được một mẫu nước mặt ở khu vực phường Văn Chương có dương tính với phẩy khuẩn tả. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đây chỉ là những kết quả ban đầu. Sở đã chỉ đạo TT Y tế dự phòng tiếp tục lấy các mẫu thực phẩm và nước trên quy mô rộng hơn để tiến hành kiểm tra, xét nghiệm.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội từ ngày 20 - 24/3, Hà Nội đã có 20 bệnh nhân có dương tính với phẩy khuẩn tả. Trước đó gần 2 tuần, thành phố cũng báo cáo về 9 trường hợp mắc tả phải điều trị. Toàn bộ số bệnh nhân này đều là đối tượng mắc mới (không có bệnh nhân cũ tái nhiễm), sống rải rác ở các quận trong thành phố. Tuy nhiên vẫn tập trung với mật độ cao tại 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai. Nguyên nhân chính được xác định là do thức ăn, trong đó có rau sống.
Theo thống kê của Bộ Y tế, TP Hà Nội hiện vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 29 trường hợp dương tính với khuẩn phẩy tả.
Theo ông Tuấn, nguồn nhiễm bệnh hiện nay tiềm ẩn rất nhiều trong nước và rau sống. Mặc dù chưa có lệnh cấm sử dụng rau sống, nhưng với tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân nên tránh sử dụng và thực hiện nghiêm 4 biện pháp phòng chống dịch như: giữ vệ sinh ăn uống, không ăn thức ăn sống, uống nước chưa đun sôi, đặc biệt là gỏi, tiết canh...
Giải thích về hiện tượng trong 1 tuần nay bệnh viện Xanh-pôn vẫn liên tục tiếp nhận các ca nhập viện do tiêu chảy, nhưng trong báo cáo do Sở Y tế cung cấp thì không thấy có trường hợp nào mắc mới trong thời gian đó, ông Tuấn nói: “Mỗi năm, đặc biệt là vào mùa nóng, các bệnh viện tiếp nhận 300 - 500 ca tiêu chảy cấp do nhiều nguyên nhân. Nếu trong tuần qua, vẫn có bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy thì cũng là điều thường tình. Còn trong số đó, quả thực có bệnh nhân mắc tả thì Bộ Y tế sẽ là nơi phát ngôn chính thức thông báo về tình hình dịch".
Ông Tuấn cũng cho biết thêm: "Hiện nay bệnh nhân mắc tả ở Hà Nội vẫn được điều trị miễn phí tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, khi được thông báo về khu vực có bệnh nhân mắc tả, TT Y tế dự phòng sẽ tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng, nhằm khoanh dịch tránh lây lan mầm bệnh ra môi trường.
Bộ Y tế thì tiếp tục phát đi lời cảnh báo: Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể tăng mạnh trong tháng 4, khi thời tiết miền Bắc bắt đầu vào mùa hè.
P. Thanh