Xét nghiệm nhanh Covid-19: Âm tính liệu đã an toàn?

Minh Nhật

(Dân trí) - Xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính không thể khẳng định 100% người đó không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và không lây cho người khác.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, Hà Nội đã và đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất những người từ Đà Nẵng trở về từ đầu tháng 7 (ước tính hơn 50.000 người).

Xét nghiệm nhanh Covid-19: Âm tính liệu đã an toàn? - 1

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 tại quận Ba Đình

Cũng giống như những lần trước đây, nguyên lí hoạt động của bộ kit xét nghiệm nhanh được sử dụng là tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể mà hệ miễn dịch sản sinh, khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, có một thực tế là người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không phải ai cũng sinh kháng thể. Đồng thời, kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi bị virus xâm nhập.

Do đó, theo Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người dân cần hiểu rõ hơn về giá trị của xét nghiệm nhanh Covid-19 để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Âm tính/dương tính khi xét nghiệm nhanh nghĩa là gì?

Chuyên gia này phân tích: “Xét nghiệm nhanh mà thành phố Hà Nội đang thực hiện là loại xét nghiệm gián tiếp, nhằm tìm kiếm dấu vết của virus để lại trong cơ thể bị nhiễm”.

Cụ thể, nếu xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính chỉ thể hiện rằng, người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh.

Xét nghiệm nhanh Covid-19: Âm tính liệu đã an toàn? - 2

Bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19

Ngược lại, xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính không thể khẳng định 100% người đó không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và không lây cho người khác.

“Người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể thì xét nghiệm nhanh chắc chắn cho kết quả âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác” – BS Khiếm nhấn mạnh.

Xét nghiệm nhanh Covid-19: Âm tính liệu đã an toàn? - 3

Chuyên gia này cũng dẫn chứng thêm về kết quả của các nghiên cứu về Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới: Chỉ có 23% người nhiễm virus SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm; 58% người bị nhiễm sau 2 tuần mới có kháng thể; 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.

Mục đích của việc xét nghiệm nhanh Covid-19

BS Đồng Phú Khiêm nhận định rằng, việc làm xét nghiệm nhanh tìm kháng thể chỉ có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp.

Xét nghiệm nhanh Covid-19: Âm tính liệu đã an toàn? - 4

Người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính vẫn cần thực hiện các biện pháp cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Loại xét nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng để chẩn đoán một người có đang bị nhiễm bệnh hay không là các xét nghiệm trực tiếp, với bản chất là tìm kiếm sự hiện diện của các thành phần cấu tạo virus trong cơ thể. Ví dụ, hiện nay được sử dụng phổ biến ở Việt Nam là kỹ thuật PCR (tìm kiếm các đoạn gen của virus trong mẫu bệnh phẩm).

“Như vậy, người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm nhanh âm tính thì vẫn có thể là người nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho công đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế” – BS Đồng Phú Khiêm khuyến cáo.