Xét nghiệm máu giúp tầm soát những loại ung thư nào?
(Dân trí) - Các xét nghiệm tầm soát ung thư nhằm phát hiện ra ung thư ở giai đoạn sớm, khi bệnh chưa gây ra các triệu chứng lâm sàng. Từ đó, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội điều trị thành công.
Đối với bệnh ung thư, việc phát hiện sớm có ý nghĩa cực kì quan trọng, bởi điều trị vào “giai đoạn vàng” này giúp đem lại hiệu quả cao, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại, nếu điều trị khi ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn thì gần như không còn nhiều ý nghĩa và tiên lượng của người bệnh sau điều trị cũng rất thấp.
Các xét nghiệm tầm soát ung thư nhằm phát hiện ra ung thư ở giai đoạn sớm, khi bệnh chưa gây ra các triệu chứng lâm sàng. Từ đó, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội điều trị thành công. Trong số đó, xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư là phương pháp tầm soát ung thư dễ làm, chi phí thấp và không mất nhiều thời gian.
Dấu ấn ung thư là gì?
Dấu ấn ung thư là một chất nào đó được sản sinh bởi tế bào ung thư hoặc tế bào khỏe mạnh, để đáp ứng với sự xuất hiện của ung thư trong cơ thể. Một dẫn chứng điển hình về dấu ấn ung thư là các loại protein. Cụ thể, các tế bào ung thư có xu hướng tạo ra protein đặc biệt, ví dụ ung thư gan là AFP, ung thư tụy là CA19-9, ung thư phổi là CYFRA, ung thư buồng trứng là CA125… Bằng cách nhận diện sự có mặt của các loại protein khác thường này trong máu, bác sĩ có thể đánh giá rủi ro mắc ung thư của bạn, từ đó thực hiện các phương pháp kiểm tra chuyên sâu hơn để xác nhận.
Hạn chế của xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư trong máu
Mặt trái của phương pháp này là độ tin cậy thường không cao, bởi dấu ấn ung thư có thể xuất hiện nhiều trong cơ thể do các tác nhân ngoài ung thư, ví dụ: Việc hút thuốc lá nhiều hoặc bị viêm ruột làm tăng lượng protein CEA. Do đó, không phải 100% các trường hợp xét nghiệm thấy dấu ấn ung thư ở mức cao là đã mắc bệnh ung thư. Ngược lại, cũng có trường hợp dù đã mang trong mình khối u ác tính, thậm chí là giai đoạn muộn lại có các chỉ số dấu ấn ung thư bình thường. Chính vì vậy, kết quả xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư trong máu được khuyến cáo chỉ dùng để bổ sung thêm căn cứ cho một bệnh lý nghi ngờ ung thư.
Các xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
CEA: Ung thư nói chung
CEA là một loại kháng nguyên xuất hiện trong tế bào ruột của thai nhi nhưng giảm xuống ở nồng độ rất thấp trong máu của người trưởng thành. Tuy nhiên, trong trường hợp mắc ung thư, nhất là các loại ung thư biểu mô dạ dày, đường ruột, phổi, tuyến tụy, vú… lượng CEA sẽ tăng vọt. Một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, phổi, gan hoặc thói quen hút thuốc cũng có thể làm tăng định lượng của dấu ấn ung thư này.
Cyfra 21-1: Ung thư phổi tế bào nhỏ
Những người mắc ung thư phổi, nhất là ung thư phổi tế bào nhỏ thường sẽ có lượng Cyfra 21-1 tăng cao. Bên cạnh đó, các loại ung thư khác như: ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang cũng có thể làm tăng dấu ấn ung thư này.
CA 72-4: Ung thư dạ dày
CA 72-4 là kháng nguyên được tìm thấy trên bề mặt các tế bào như: tế bào buồng trứng, tế bào vú, tế bào đại tràng, tế bào tụy. Tuy nhiên, ở tế bào ung thư biểu mô dạ dày lại có lượng CA 72-4 cao hơn đáng kể. Do đó, kháng nguyên này được dùng làm dấu ấn ung thư dạ dày hoặc có thể là ung thư buồng trứng, đại trực tràng và một số loại ung thư đường tiêu hóa khác. Để khẳng định kết quả, các phương pháp như chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết sẽ được bác sĩ chỉ định thêm.
CA19-9: Ung thư tuyến tụy
CA19-9 hay còn gọi là kháng nguyên ung thư đường tiêu hóa GICA có thể gia tăng đột biến trong trường hợp mắc một số loại ung thư như: ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng và đặc biệt là ung thư tụy. Trong thực tế chẩn đoán, các bác sĩ thường kết hợp dấu hiệu định lượng CA19-9 tăng cao cùng các triệu chứng như tắc mật, tắc tụy để kết luận ung thư tuyến tụy.
AFP: Ung thư gan
Ở người bình thường, AFP luôn hiện diện trong máu ở nồng độ thấp (không vượt quá 10 ng/ml), do được gan tổng hợp. Tuy nhiên, việc nồng độ AFP bất ngờ lên ngưỡng 400 ng/ml lại có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán ung thư gan hoặc cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến gan như: viêm gan, xơ gan…
CA 15-3: Ung thư vú
CA 15-3 là một loại kháng nguyên màng biểu mô đa hình, tìm thấy nhiều ở khu vực ngoại bào, màng tế bào và dịch bào. CA 15-3 được sử dụng như một dấu ấn ung thư vú. Theo thống kê, 80% bệnh nhân ung thư vú có định lượng CA 15-3 cao bất thường và có biểu hiện glycosyl hóa. Tuy nhiên, dấu ấn ung thư này lại ít được sử dụng trong sàng lọc ung thư vú giai đoạn đầu, bởi lúc này lượng CA 15-3 chưa có sự thay đổi rõ rệt. Xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 15-3 thường được chỉ định cùng với chụp nhũ ảnh vú hoặc các xét nghiệm khác như: xét nghiệm thụ thể estrogen và progesterone, thụ thể Her2/neu.
Bên cạnh tầm soát ung thư, CA 15-3 cũng được chỉ định để theo dõi hiệu quả điều trị ung thư vú.
PSA: Ung thư tuyến tiền liệt
PSA là một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, được tiết ra từ các tế bào biểu mô của tuyến này. Phần lớn PSA trong máu đều gắn với các protein huyết tương. Chỉ có khoảng 30% PSA tự do không gắn với các protein. Các PSA tự do này không có khả năng phân hủy protein. Đây chính là lý do chỉ số PSA được coi là dấu ấn của ung thư tiền liệt tuyến.
Tỷ lệ chỉ số PSA tự do/PSA toàn phần được dùng để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt nếu nồng độ PSA tự do nằm trong khoảng 4 – 10 ng/ml. Nếu tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần dưới 15%, nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt là rất cao.
Minh Nhật
Tổng hợp