Xét nghiệm máu chỉ số AFP cao có phải ung thư gan?
(Dân trí) - Ung thư gan là căn bệnh khó phát hiện sớm do giai đoạn đầu các triệu chứng không điển hình. Tuy nhiên, loại ung thư này có thể phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ chủ động.
Bệnh viện K cho biết, ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với trên 900.000 người được chẩn đoán mỗi năm.
Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020 trên thế giới mỗi năm có khoảng 905.677 ca mắc mới ung thư gan và 830.130 người tử vong vì căn bệnh này.
Năm 2018, ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta với 26.412 trường hợp và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh với 25.272 ca.
Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu ung thư gan không điển hình. Bệnh nhân có thể mệt , sốt, đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, ăn không ngon, dễ chảy máu hay dễ có vết bầm, vàng da, báng bụng.
Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn.
- Luôn có cảm giác ngứa
- Trướng bụng.
- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải
- Vàng da, củng mạc mắt.
- Đi ngoài phân trắng/bạc màu.
Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C…
Khi đi khám sức khỏe, qua khám lâm sàng bác sĩ có thể sờ thấy khối u lớn và cứng trong bụng, thấy khối u qua hình ảnh siêu âm.
Với xét nghiệm máu AFP (alpha fetoprotein), khoảng 50-70% người ung thư gan có AFP trong máu cao. AFP cao có thể nghĩ đến ung thư gan nhưng không thể là yếu tố quyết định chắc chắn.
Nếu xét nghiệm thấy AFP cao nên làm siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chúng ta sẽ thấy khối u. Tuy nhiên lúc này cũng chưa thể xác định chắc chắn u lành tính hay ác tính. Để chẩn đoán chính xác lành hay ác phải sinh thiết gan.