1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xếp hàng chờ thanh toán BHYT

(Dân trí) - Liên quan đến luật BHYT được thực hiện trên toàn quốc từ 1/10/2009 nhưng qua hơn 2 tháng áp dụng, luật đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho người bệnh khi khám chữa bệnh bằng BHYT, nhất là thủ tục thanh toán.

Xếp hàng chờ thanh toán BHYT - 1
Người dân chờ khám BHYT tại BV Xanh Pôn, Hà Nội (Ảnh: H.Hải)

Như trường hợp của Anh Tạ Văn Sinh, bố bé Tạ Thanh Hải (3 tuổi ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Kể từ hôm đưa con đến viện cấp cứu hôm 10/11 tới giờ, con có vấn đề gì về sức khoẻ, anh liền đưa ra phòng khám tư cho tiện, không dám đưa con đi khám BHYT vì sự chờ đợi vượt ngoài mức tưởng tượng của anh. “Người lớn ngồi chờ còn sốt ruột, huống hồ là trẻ nhỏ, phải tìm mọi cách dỗ dành, được tí nó lại chán, lại đòi về”, anh Sinh than thở.

Anh kể lại, 8h tối ngày 10/11, con anh bỗng nhiên lên cơn đau bụng, không tiểu tiện được, bụng cứ phình trương. Quá hoảng, hai vợ chồng anh cấp tốc đưa con vào BV Nhi TƯ khám. Mua sổ khám, xếp số chờ đợi đến gần 12h đêm, sau khâu khám ở phòng khám ngoài, con anh mới được chuyển vào khoa Cấp cứu. Tưởng vào là được xử lý ngay nhưng bệnh nhân đông quá, cũng phải chờ đến gần tiếng sau bé mới được dùng thuốc, sau đó bé tiểu tiện được. 8h sáng hôm sau, bác sĩ kiểm tra không có vấn đề gì nên cho làm thủ tục xuất viện để về. Nhưng hai bố con đã phải đợi đến 11h30 mà thủ tục BHYT vẫn chưa được làm xong, anh đành đưa con về trước, chiều mới đến viện làm thủ tục.

Chị Nguyễn Thị Song Hà, giáo viên trường tiểu học Hữu Hoài (Thanh Trì, Hà Nội) sau khi nằm viện Xanh-pôn điều trị bệnh SXH cũng phải xuất viện trước rồi đến ngày hôm sau mới tới viện thanh toán, vì khâu thủ tục BHYT phải qua quá nhiều bước và phải có đủ 7 chữ ký của 7 bộ phận khác nhau thì mới được thanh toán.

“Để đợi đủ 7 chữ ký của 7 bộ phận không hề đơn giản, phải chạy đi chạy lại không biết bao nhiêu lượt. Nhiều khi sốt ruột quá, hỏi lại y tá cũng bị “mắng” cho. Vì quả thực, đâu phải lúc nào 7 bộ phận đó cũng rảnh để lần lượt kí roẹt lên tờ thanh toán BHYT”, anh Sinh than thở.
 

Bội chi vì phí BHYT chưa tương xứng

 

Năm 2009, Quỹ BHYT tiếp tục bị thâm hụt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, bội chi 15%. Trước đó, năm 2008, quỹ bị bội chi 1,4 ngàn tỷ. Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Giám định Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), chính vì lượng người tham gia BHYT tăng vọt, trong khi phí bảo hiểm vẫn chưa tương xứng là một phần nguyên nhân của tình trạng này.
 

“Tính đến nay, cả nước có trên 50 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm khoảng 57% dân số, tăng 23% so với mọi năm. Phí tham gia BHYT chưa đến 20USD/người/năm. Trong khi đó, theo tính toán, chi tiêu y tế cho mỗi người dân Việt Nam là 80 USD/người/năm. Vì thế, đợt vừa rồi, BHYT đã tăng mức phí đóng thêm 1,5 lần nhưng vẫn chưa thể đủ để “bù” khoản hụt giữa chi phí và nguồn thu”, ông Thảo giải thích.

 

Ông Thảo cho biết thêm, để khắc phục tình trạng này, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trình Chính phủ xem xét, trong đó có đề cập đến việc thay đổi viện phí. Theo đó, dự kiến phí BHYT cũng sẽ điều chỉnh theo.

 

Còn trước mắt, để đảm bảo vẫn chi trả cho người bệnh khi tham gia BHYT, hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phải “mượn” tiền từ Quỹ Hưu trí để bù đắp khoản bội chi này.

 
Hồng Hải