Xem bác sĩ truy tìm mạch máu 3mm cứu "kho đạn" của quý ông
(Dân trí) - Bác sĩ phẫu thuật dùng dao mổ rạch một đường dài 2cm ở gần nếp lằn bẹn của bệnh nhân. Các can thiệp sẽ được tiến hành qua vết mổ siêu nhỏ này.
3 ngày từ khi phát hiện bị giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 4, anh Sơn (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, sống tại Hà Nội bước vào ca mổ để "giải cứu" tinh hoàn.
Theo BSCKII Bùi Trường Giang - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, giãn tĩnh mạch thừng tinh là một bệnh lý gặp ở khoảng 15% nam giới. Khoảng 70 - 80% các trường hợp mắc bệnh này sẽ không cần phải can thiệp.
Tuy nhiên, với trường hợp của anh Sơn, do đến viện muộn, khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng như: đau tức vùng bìu trái nhiều, tinh hoàn trái teo lại chỉ còn một nửa, mềm bất thường, nên cần phải can thiệp phẫu thuật.
"Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn của đám rối các tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh, nằm phía trên tinh hoàn. Nguyên nhân thường do máu chảy ngược từ ổ bụng xuống gây giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Với trường hợp bệnh nhân này nếu không can thiệp có thể dẫn đến teo tinh hoàn, giảm chức năng của tinh hoàn, tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn", BS Giang cho hay.
Ca phẫu thuật có sự tham gia của 4 bác sĩ, gồm một bác sĩ gây mê, một bác sĩ mổ chính và 2 bác sĩ phụ mổ. Ngoài ra, 4 điều dưỡng làm nhiệm vụ phụ mê, phụ dụng cụ, đồng thời theo dõi bất thường của bệnh nhân và hỗ trợ khi cần.
Với phương pháp mổ vi phẫu, bệnh nhân không cần gây mê như phẫu thuật nội soi mà chỉ cần gây tê tủy sống làm mất hoàn toàn cảm giác đau ở nửa thân dưới.
Sau khi kiểm tra vô cảm của bệnh nhân sau gây tê, bác sĩ sát trùng kỹ vùng mổ bằng gạc thấm thuốc sát trùng.
Bác sĩ phẫu thuật dùng dao mổ rạch một đường dài 2cm ở gần nếp lằn bẹn của bệnh nhân. Các can thiệp sẽ được tiến hành qua vết mổ siêu nhỏ này. Cũng theo BS Giang, phương pháp mổ vi phẫu này giúp xâm lấn tối thiểu lên cơ thể bệnh nhân, vết thương sẽ nhanh hồi phục.
Bên cạnh đó, vị trí mổ cũng như kích thước mổ sẽ đảm bảo tính thẩm mỹ sau này. Vết mổ có thể dễ dàng được che kín ngay cả khi bệnh nhân mặc "quần nhỏ".
Thông qua vết mổ, bác sĩ khéo léo đưa tinh hoàn và cả bó mạch thừng tinh ra bên ngoài.
Để bộc lộ rõ tất cả giải phẫu phục vụ cho quá trình thắt tĩnh mạch thừng tinh, bác sĩ dùng dao điện mở dần bao tinh hoàn.
Sau khi toàn bộ bó mạch thừng tinh được bộc lộ, thông qua kính vi phẫu với độ phóng đại 3,5 lần, bác sĩ phẫu thuật bóc tách riêng động mạch nuôi tinh hoàn, ống dẫn tinh và bạch mạch sang một bên chỉ thắt và cắt chọn lọc các tĩnh mạch tinh giãn.
"Với phương pháp này, chúng tôi chỉ thắt tất cả các tĩnh mạch thừng tinh. Động mạch sẽ được giữ lại để tiếp tục nhiệm vụ cấp máu nuôi tinh hoàn. Do đó, sau khi thắt tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn của bệnh nhân vẫn được tưới máu và sẽ không bị teo đi", BS Giang phân tích.
Việc tách riêng động mạch thừng tinh nằm lẫn trong bó mạch thừng tinh, được BS Giang mô tả, là bước khó nhất của ca phẫu thuật khi các mạch máu có kích thước rất nhỏ và "mỏng manh", đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải rất tỉ mỉ.
Các tĩnh mạch thừng tinh bị giãn có đường kính chỉ 3mm được bác sĩ khéo léo thắt lại bằng chỉ y khoa. Việc này nhằm ngăn dòng máu chảy ngược xuống từ ổ bụng dẫn đến các biến chứng sau này.
Hoàn thành bước thắt tĩnh mạch thừng tinh, các bác sĩ tiếp tục đặt lại các cơ quan vào vị trí cũ, dùng chỉ y khoa khâu các vị trí rạch để trả lại giải phẫu cho bệnh nhân.
Sau 45 phút phẫu thuật, BS Giang đóng mũi chỉ cuối cùng khép kín vết mổ 2cm trên thành bụng bệnh nhân.
"2 ngày sau ca mổ, bệnh nhân được xuất viện. Một tháng sau, bệnh nhân có thể quan hệ trở lại và tránh được các biến chứng nguy hiểm của giãn tĩnh mạch thừng tinh. Ngoài ra, vì phẫu thuật không hề can thiệp đến ống dẫn tinh nên bệnh nhân vẫn có thể sinh con bình thường", BS Giang chỉ rõ.