Xây dựng nhà thuốc GPP: Nhiều khó khăn!

(Dân trí) - Vốn đầu tư ban đầu không đủ, nguồn nhân lực thiếu và nhận thức của giới dược sĩ và người tiêu dùng chưa tốt là 3 trở lực chính làm cho việc xây dựng nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practive - Nhà thuốc Thực hành tốt) tiến triển khá chậm.

Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Trong thời gian qua, có khoảng 40 nhà thuốc nộp đơn đăng ký xây dựng nhà thuốc theo tiêu chuẩn GPP nhưng qua thẩm định, đến nay mới có 12/4.066 nhà thuốc đủ điều kiện là nhà thuốc GPP”.

 

Mỗi giấy chứng nhận GPP có giá trị trong 2 năm. Trong thời gian đó, Sở Y tế sẽ kiểm tra đột xuất việc thực hiện tiêu chuẩn mà nhà thuốc đã cam kết. Hết hạn 2 năm, nhà thuốc sẽ tái đăng ký lại để được xét cấp giấy chứng nhận mới.

 

Cũng theo bà Phong Lan, nhiều nhà thuốc muốn xây dựng theo tiêu chí GPP nhưng không biết bắt đầu từ đâu, thậm chí không biết gì cả. Có người còn nghĩ cách đơn giản là “chỉ cần nhiệt độ trong nhà thuốc dưới 30 độ là đạt chuẩn”.

 

Chính vì thế, Sở ủng hộ việc các doanh nghiệp đã thực hiện thành công các nhà thuốc theo tiêu chuẩn GPP, đứng ra cung cấp giải pháp vận hành nhà thuốc GPP trọn gói cho các nhà thuốc khác như doanh nghiệp V-Phano.

 

Hiện nhóm nhà thuốc trong bệnh viện là có nhiều lợi thế hơn nhóm tư nhân và nhóm doanh nghiệp. Nhưng, qua phản ánh của người dân, nhiều nhà thuốc trong bệnh viện lợi dụng thương hiệu để bán thuốc với giá cao hơn bên ngoài. Do đó, Sở sẽ đẩy mạnh việc xây dựng nhà thuốc GPP trong các bệnh viện trước.

 

Ngoài ra theo bà Phong Lan, để việc thực hiện các nhà thuốc theo chuẩn GPP cần phải chú ý đến việc thay đổi nhận thức của 2 thành phần dược sĩ và người tiêu dùng. Hiện toàn thành phố có 3.654 dược sĩ thì cũng có 3.654 nhà thuốc đứng tên các dược sĩ đó. Hầu hết, giới dược sĩ chỉ tập trung vào kinh doanh.

 

Trong khi đó, người tiêu dùng thì chưa biết gì nhiều về nhà thuốc GPP. Hơn nữa, thói quen mua thuốc phải có toa cũng chưa thành nếp. Đa số vẫn cứ có bệnh là ra tiệm thuốc mua kháng sinh về uống, bất kể bệnh gì cũng uống kháng sinh. Kết quả là lâu ngày cơ thể đề kháng với các loại kháng sinh. Chính vì lẽ đó, Việt Nam là nước có số người bị đề kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

 

Ngọc Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm