WHO: Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm tại Việt Nam ở mức độ nghiêm trọng
(Dân trí) - Sáng 7/4, tại lễ kỷ niệm ngày Sức khỏe Thế giới, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, khoảng 5% kháng sinh được sử dụng ở Việt Nam là trong nông nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, nhất là thủy sản ở mức độ nghiêm trọng.
“Một vấn đề đáng quan ngại là tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam khoảng 5% kháng sinh được sử dụng trong nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chưa được kiểm soát triệt để dẫn đến hệ lụy tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, nhất là thực phẩm thủy sản ở tình trạng rất báo động. Việc ăn phải các thực phẩm tồn dư kháng sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đáng lo ngại nhất là nguy cơ gia tăng tình trạng kháng kháng sinh”, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết tại lễ kỷ niệm ngày Sức khỏe Thế giới 2015.
Thực tế trong năm 2014, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, rất nhiều lô hàng hàng thủy sản của Việt Nam vi phạm các quy định về hóa chất kháng sinh không đảm bảo an toàn thực phẩm được thế giới phát hiện, cảnh báo. Chỉ riêng một năm có ít nhất 29 lô hàng thủy sản nuôi của nước ta xuất khẩu bị cảnh báo là chỉ tiêu Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép tại EU và Nhật Bản; 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU.
Trước đó, ngày 10/12/2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng thuộc ủy ban châu Âu đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp thông báo tình trạng gia tăng đột biến các lô hàng thủy sản bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh. Trong đó, có những doanh nghiệp bị cảnh báo 7-8 lô trong năm 2014.
Theo thống kê của WHO trên thế giới hàng năm ước tính có 2 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn. Vấn đề liên quan chuỗi thực phẩm rất phức tạp, quy trình chế biến có nhiều bước cần sạch sẽ nếu không sẽ rất dẫn đến ô nhiễm thực phẩm.
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại là nguyên nhân của hơn 200 bệnh - từ tiêu chảy đến các bệnh mãn tính như ung thư. Trong năm 2014 cả nước ghi nhận 194 vụ ngộ độc thực phẩm khiến trên 5.000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và 43 trường hợp bị tử vong.
Đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả người nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong chuỗi liên tục của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn. Các nhà sản xuất, các nhà chế biến và người kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam cần phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh trong khi người tiêu dùng cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng và tuân thủ các thực hành tốt về an toàn thực phẩm.
Một hệ thống kiểm soát thực phẩm quốc gia hiệu quả là rất cần thiết nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, phòng ngừa các hành vi giả mạo thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh thực phẩm an toàn và lành mạnh. Do đó, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thông qua cung cấp thực phẩm an toàn là mục tiêu của hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia.
Vì thế, chủ đề của ngày Sức khỏe Thế giới năm nay là An toàn thực phẩm. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cả người tiêu dùng, nhà lãnh đạo, người sản xuất về vai trò an toàn thực phẩm với sức khoẻ. Những rủi ro sức khỏe do sử dụng thực phẩm rất khó tránh nhưng chỉ với 5 bước đơn giản do WHO khuyến cáo, tất cả mọi người dân có thể dễ dàng thực hiện để có thực phẩm an toàn:
1. Giữ vệ sinh sạch sẽ - rửa sạch tay và giữ sạch sẽ bề mặt nơi chế biến thức ăn;
2. Bảo quản riêng biệt thức ăn chín và thực phẩm sống;
3.Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng;
4.Giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp;
5. Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn.
Hồng Hải