WHO: Những mũi vắc xin đầu tiên đánh dấu chiến lược đúng đắn của Việt Nam

(Dân trí) - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và lực lượng y tế Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầu tiên được triển khai.

Chiến lược tiêm chủng của Việt Nam phù hợp thực tế

Những mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên đánh dấu chiến lược chống dịch đúng đắn của Việt Nam. Việt Nam cũng đã ghi tên mình vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nhân loại.

Đó là nhận định của TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, khi tham dự buổi tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

TS Park đánh giá, các nhân viên, cán bộ y tế đã làm việc rất xuất sắc và không biết mệt mỏi để đảm bảo cho quá trình tiêm vắc xin được diễn ra suôn sẻ, đảm bảo an toàn cho những người được tiêm.

WHO: Những mũi vắc xin đầu tiên đánh dấu chiến lược đúng đắn của Việt Nam - 1

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

Trước thực tế nguồn cung cấp vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu hiện vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu được chủng ngừa của tất cả mọi người, TS Park nhận định chiến lược tiêm chủng mà Việt Nam đã xây dựng là rất đúng đắn, phù hợp với đánh giá, tư vấn của WHO.

"Các nước đều muốn mọi người dân được tiêm vắc xin nhưng số lượng vắc xin rất hạn chế. Do đó, chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao chiến lược ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Đây là chiến lược rất đúng đắn trong thực tế bối cảnh hiện nay", ông nhấn mạnh.

WHO: Những mũi vắc xin đầu tiên đánh dấu chiến lược đúng đắn của Việt Nam - 2

TS Park lưu ý rằng, mặc dù vắc xin phòng Covid-19 mà Việt nam đang sử dụng để tiêm chủng đã hoàn thành tất cả các công đoạn nghiên cứu và đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vắc xin được ra đời chỉ sau 1 năm. Do đó, chúng ta vẫn cần theo dõi sát những diễn biến bất lợi có thể xảy ra, để kịp thời có biện pháp xử lý. Vì an toàn là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu.

WHO: Những mũi vắc xin đầu tiên đánh dấu chiến lược đúng đắn của Việt Nam - 3

Một trong những người đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

"Với khởi đầu thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Tôi tin tưởng trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tiêm chủng "Với khởi đầu thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Tôi tin tưởng sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thành công các lô vắc xin Covid-19 tiếp theo, để cùng chung tay đẩy lùi Covid-19", Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đơn vị điều trị quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua.

"Với những mũi tiêm ngày hôm nay, chúng tôi hy vọng tập thể thầy thuốc Bệnh viện sẽ thêm vững tâm trong cuộc chiến chống Covid-19", Thứ trưởng Thuấn chia sẻ.

WHO: Những mũi vắc xin đầu tiên đánh dấu chiến lược đúng đắn của Việt Nam - 4

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong ngày tiêm đầu tiên.

Cũng theo ông, đợt tiêm vắc xin lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe của người dân. Với sự cố gắng của các bên và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc đàm phán mua vắc xin, cũng như triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Theo kế hoạch, dựa trên số lượng vắc xin, việc tiêm chủng vắc xin sẽ được tiến hành theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Nghị quyết 21 của Chính phủ. Việt Nam sẽ cố gắng tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho toàn bộ các đối tượng được chỉ định trong năm 2021 và 2022.

WHO: Những mũi vắc xin đầu tiên đánh dấu chiến lược đúng đắn của Việt Nam - 5

Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được sử dụng trong đợt tiêm chủng đầu tiên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thuấn cũng lưu ý rằng, không có một loại vắc xin nào là an toàn 100% hay hiệu quả bảo vệ 100%. Do đó, người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K để đẩy lùi dịch bệnh.