WHO khuyến nghị gì với Việt Nam để đảm bảo an toàn khi mở cửa?
(Dân trí) - TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng tiêm vắc xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đã phải thay đổi rất nhiều trong hoạt động phòng chống dịch về chiến lược truy vết, xét nghiệm, điều trị… Đặc biệt, Việt Nam đang cố gắng bao phủ diện tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Báo Dân trí đã có trao đổi với TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam về vấn đề này:
- Theo ông diễn biến của đợt dịch thứ 4 và sự khốc liệt của nó tại Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới có sự khác biệt như thế nào?
- Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng ca mắc Covid-19. Điều này thể hiện qua số ca mắc, tử vong cao được ghi nhận hàng ngày. Đối với Việt Nam, đợt dịch thứ 4 là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải trải qua từ trước đến nay trên cả nước, đặc biệt là tại TPHCM.
Thách thức lớn nhất là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh. Nó đã góp phần vào sự gia tăng theo cấp số nhân của các ca bệnh và đang khiến việc ngăn chặn sự lây lan của virus trở nên khó khăn, ở cả Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Sự gia tăng nhanh chóng về số ca bệnh này khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe phải mở rộng quá mức, vượt quá khả năng được chuẩn bị để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp cho những người cần nó nhất.
Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa các quốc gia là tỷ lệ tiêm vắc xin. Ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp, trung bình, tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 vẫn còn rất thấp, ngay cả đối với liều đầu tiên. Hiện nay, sự gia tăng số ca mắc, số ca tử vong chủ yếu xảy ra ở những người không được tiêm vắc xin ở tất cả các quốc gia.
Bài học từ cách ứng phó với đại dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới đã chỉ ra rằng đoàn kết, bình đẳng là cách tiếp cận tốt nhất để chấm dứt đại dịch. Tình trạng khẩn cấp toàn cầu này sẽ không kết thúc cho đến khi và trừ khi việc lây truyền được kiểm soát trong mọi cộng đồng. Dịch sẽ không hết khi ở đâu đó vẫn. Điều này khiến tất cả các quốc gia bắt buộc phải làm việc cùng nhau để hướng tới việc tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19.
- Vậy theo ông, nếu đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin 70% dân số (đối tượng là người trên 18 tuổi), Việt Nam có thể yên tâm để mở cửa, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới như nhiều nước?
- Sự phát triển nhanh chóng của vắc xin Covid-19 hiệu quả, an toàn là một trong những câu chuyện thành công trong đại dịch này. Vắc xin đã được chứng minh là có thể bảo vệ con người khỏi bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, vắc xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Chúng tôi đã thấy ở nhiều quốc gia việc nới lỏng quá sớm các biện pháp giãn cách xã hội, y tế đang đặt những người chưa được tiêm vắc xin, những người bị suy giảm miễn dịch vào nguy cơ cực kỳ cao.
Virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây nhiễm trong một thời gian rất dài và rõ ràng là Covid-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải tìm cách sống an toàn với nó. Cũng như các virus gây đại dịch cúm trước đây, nó sẽ phát triển để trở thành một trong những virus gây ảnh hưởng đến chúng ta. Sự phát triển của virus, sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ đóng một vai trò trong dài hạn. Điều này càng làm cho việc giảm sự lây truyền trở nên quan trọng hơn để virus có ít cơ hội đột biến hơn.
Ngoài việc tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin, Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng chúng ta hạn chế sự lây lan của virus bằng những biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả như Thông điệp 5K, xây dựng năng lực cho hệ thống y tế để phát hiện ca bệnh, điều trị và giảm tử vong.
Chúng ta phải linh hoạt trong việc áp đặt các biện pháp chống dịch để hạn chế những thiệt hại về kinh tế, xã hội, sức khỏe của đại dịch này. Và chúng ta phải hoàn toàn kiểm soát được virus chứ không phải virus kiểm soát chúng ta.
Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi của đất nước sang một trạng thái bình thường mới (tức là sống chung với Covid-19). Bộ Y tế cũng đang xây dựng hướng dẫn về các biện pháp hành chính, y tế tại những tỉnh/ thành phố đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn này dựa trên các tiêu chí về kiểm soát ổ dịch, mức độ nguy cơ theo hướng dẫn quốc gia hiện hành (Quyết định số 3989 của Bộ Y tế ngày 18/8, Quyết định số 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 31/5), trong đó có một số tiêu chí về bao phủ vắc xin.
- Khi mở cửa, Việt Nam cần lưu ý những điều gì để duy trì được thành quả này bền vững, tránh bài học như của Israel- quốc gia từng dẫn đầu về tỷ lệ tiêm vắc xin?
- Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên xem xét lại chiến lược ứng phó của mình, điều chỉnh các biện pháp khi cần thiết. Trong tình hình dịch diễn biến nhanh, các hướng dẫn được cập nhật thường xuyên, sẽ có những thách thức trong quá trình thực hiện tại nhiều địa phương. Do đó, mặc dù việc liên tục xem xét, điều chỉnh hướng dẫn là rất tốt, nhưng điều quan trọng không kém là phải theo dõi cách thức triển khai hướng dẫn trên thực tế để đảm bảo kết quả tối ưu.
Trên toàn cầu và tại Việt Nam, có một điều rõ ràng là virus sẽ không biến mất trong thời gian gần. Nó sẽ tiếp tục lây lan, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nó cũng sẽ để lại những hậu quả về tài chính ngắn hạn, dài hạn. Tôi hiểu rằng Chính phủ đang nỗ lực xây dựng lộ trình để Việt Nam "sống chung với Covid-19".
WHO khuyến khích Việt Nam xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ hỗ trợ kỹ thuật nào khi cần thiết.
Chính phủ có thể xem xét những điều sau:
Thứ nhất, ưu tiên các nhóm được tiêm chủng, đặc biệt là nhân viên y tế, người lớn tuổi, những người có bệnh nền tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt.
Thứ hai, dành nhiều ưu tiên hơn cho việc tiêm vắc xin cho khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch, với hệ thống y tế tương đối yếu, điều kiện cơ sở vật chất yếu kém.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K tại gia đình, trường học, nơi làm việc… Các biện pháp bảo vệ cá nhân, các biện pháp y tế công cộng sẽ làm giảm sự lây truyền, thậm chí khi một số chính sách phòng chống dịch đã được nới lỏng.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa năng lực cho hệ thống y tế để quản lý tốt hơn bệnh nhân Covid-19 nặng đồng thời đưa ra mô hình, lộ trình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ, trung bình.
- Ở nhiều nước khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi đã đạt cao thì số mắc lại tăng lên ở nhóm trẻ. Vậy khuyến cáo của WHO hiện nay về việc tiêm vắc xin cho trẻ như thế nào?
- Trong số các vắc xin Covid-19 hiện tại trong danh mục được sử dụng khẩn cấp của WHO (EUL), chỉ có một loại vắc xin (Pfizer) phù hợp để sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của WHO (SAGE) đã kết luận rằng vắc xin Pfizer/ BioNTech phù hợp để sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ từ 12 đến 15 tuổi có nguy cơ cao có thể được tiêm vắc xin này cùng với các nhóm ưu tiên khác
Các thử nghiệm vắc xin cho trẻ em đang được tiến hành. WHO sẽ cập nhật các khuyến nghị của mình khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ học đảm bảo cho sự thay đổi trong chính sách.
Cần có thêm bằng chứng về tác động ngắn hạn, dài hạn của nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ em cũng như hồ sơ về sự an toàn của vắc xin ở trẻ để hiểu đầy đủ về lợi ích, nguy cơ của việc tiêm cho trẻ.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy trẻ mắc các bệnh nền có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do nhiễm SARS-COV-2. Còn trẻ em nói chung ít có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong khi mắc Covid-19. Ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19 ở trẻ em vẫn chưa được xác định.
Đây là bằng chứng đáng kể cho thấy các trường học có thể mở cửa trở lại một cách an toàn mà không cần tiêm vắc xin cho trẻ, đặc biệt là khi có các chiến lược giảm thiểu nguy cơ khác. Khuyến nghị hiện tại là các nhóm khác đóng góp trực tiếp vào phúc lợi của trẻ như nhân viên y tế cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin định kỳ cho trẻ, giáo viên, nhân viên trong trường học nên được tiêm vắc xin.
Trẻ em, thanh thiếu niên mắc bệnh mãn tính nặng có thể được ưu tiên trong số trẻ ở cùng độ tuổi theo chính sách quy định quốc gia.