WHO kêu gọi ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá

(Dân trí) - Nhân ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi “sự đề kháng” của Chính phủ trước những hành động can thiệp ngày càng trắng trợn của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm cản trở, phá hoại những chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá”.

WHO kêu gọi ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá - 1
Khói thuốc tàn phá cơ thể con người, gây ra nhiều loại bệnh tật, trong đó có ung thư phổi.

Theo Bác sỹ Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong khi ngày càng nhiều quốc gia tiến tới thực hiện đầy đủ những cam kết, những nghĩa vụ của mình khi tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, thì những nỗ lực của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm làm suy yếu các chính sách này càng trở nên trắng trợn hơn. Các hành động can thiệp bao gồm việc làm trì hoãn hoặc làm suy yếu các quy định về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, các quy định về môi trường không khói thuốc tại nơi công cộng và nơi làm việc, và các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ.

“Mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá rất đơn giản: làm sao để tăng tối đa lợi nhuận của mình, bất chấp những hậu quả và đau khổ mà sản phẩn của họ gây ra cho con người. Vì vậy chúng ta cần phản đối và ngăn chặn sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá ở mọi nơi”, TS. Shin Young-soo, Giám đốc Văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, có trụ sở tại Manila cho biết.

Bên cạnh việc cố gắng phá hoại chính sách và pháp luật về y tế công cộng, ngành công nghiệp thuốc lá cũng sử dụng các hoạt động với tiêu đề “trách nhiệm xã hội” nhằm đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng, làm cho người ta quên mất thực tế rằng các sản phẩm của họ gây nghiện, bệnh tật và tử vong.

Hút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong, mà có thể phòng tránh được. Nạn dịch hút thuốc toàn cầu giết chết gần sáu triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam mỗi năm thuốc lá gây ra cái chết sớm của khoảng 40.000 người và nếu các biện pháp hiệu quả để giảm hút thuốc không được thực hiện, thì con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030. Bên cạnh đó, còn có tới 2/3 người không hút thuốc, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em, thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động tại nhà, nơi làm việc và ở những nơi công cộng.

Hồng Hải