1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

WHO giúp Việt Nam tìm hiểu sự gia tăng bất thường bệnh tay chân miệng

(Dân trí) - Từ đầu năm 2011 đến 04/9/2011, cả nước ghi nhận 42.673 trường hợp mắc, trong đó 98 trường hợp tử vong. Tổ chức y tế thế giới (WHO) sẽ giúp Việt Nam tìm hiểu sự gia tăng bất thường dịch bệnh này tại nước ta.

Trước tình hình dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp, Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng chống với nỗ lực giảm sự lây nhiễm bệnh tay chân miệng trong cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo chính quyền tất cả các tỉnh, thành phố, các Bộ liên quan tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch tay chân miệng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng, hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng và triển khai tại các cơ sở y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Số trường hợp mắc có thể gia tăng trong những tháng tới khi các trường mầm non, mẫu giáo bắt đầu khai giảng”.

WHO giúp Việt Nam tìm hiểu sự gia tăng bất thường bệnh tay chân miệng - 1


Tuy nhiên, con số mắc vẫn tăng nhanh, với trên 42 ngàn trường hợp mắc bệnh và 98 trường hợp tử vong. Không chỉ gia tăng các ca mắc, mà tại Việt Nam, tình hình dịch tễ học bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, EV71 chiếm gần 50% số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh tay chân miệng. Trong khi đó, vi rút EV71 là chủng có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Trước tình trạng bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đang phối hợp với Cục Y tế dự phòng trong các hoạt động phòng chống bệnh dịch . TS. Graham Harrison, Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “WHO và USCDC đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xác định nguyên nhân của sự tăng cao bất thường về số mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng đồng thời điều tra các đặc điểm dịch tễ học của bệnh tay chân miệng tại Việt Nam”.

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng ghi nhận ở hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung. Số trường hợp mắc có xu hướng tăng cao vào các từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm