1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

WHO: Gia tăng bệnh lậu kháng kháng sinh

(Dân trí) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lậu đang ngày càng tỏ ra kháng các nhóm kháng sinh hiệu quả trong điều trị bệnh này.

  

WHO: Gia tăng bệnh lậu kháng kháng sinh


Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết mỗi năm có khoảng 106 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm lậu. Và nhiều nước, bao gồm Úc, Pháp, Nhật Bản, Na-uy, Thụy Điển và Anh, đang báo cáo những trường hợp lậu kháng kháng sinh.

 

Trong khuyến nghị mới đây, WHO kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng kháng sinh thích hợp và nghiên cứu thêm về các liệu pháp thay thế điều trị nhiễm trùng. Kế  hoạch Hành động toàn cầu của cơ quan này cũng thúc đẩy việc tăng kiểm soát và báo cáo các chủng bệnh kháng thuốc, cũng như phòng ngừa, chẩn đoán và  kiểm soát nhiễm trùng tốt hơn.

 

TS. Manjula Lusti-Narasimhan thuộc Phòng Sức khỏe sinh sản và Nghiên cứu của WHO cho biết “Bệnh lậu đang trở thành một thách thức lớn trong y tế cộng đồng, do tỷ lệ nhiễm cao đi kèm với việc thu hẹp các lựa chọn điều trị”.

 

Bệnh lậu chiếm 1/4 trong số 4 bệnh lây truyền qua đường tình dục chính và là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến hàng thứ 2 sau chlamydia. Từ khi phát triển các kháng sinh, bệnh lậu đã kháng nhiều kháng sinh, bao gồm penicillin và tetracyclin, đang tiến triển kháng cephalosporin - dòng thuốc bảo vệ mới nhất.

 

Bệnh lậu không được điều trị có thể dẫn tới những rối loạn sức khỏe  ở nam, nữ và trẻ sơ sinh, bao gồm: viêm đường tiết niệu, cổ tử cung và trực tràng; vô sinh ở cả nam và nữ; tăng nguy cơ nhiễm và lây truyền HIV; thai ngoài tử  cung; sảy thai, thai chết lưu và sinh non; và tới 50% số trẻ sinh ra từ mẹ bị bệnh lậu không điều trị bị nhiễm trùng mắt nặng có thể mù.

 

Bệnh lậu có thể phòng ngừa  được bằng cách quan hệ tình dục an toàn. Phát hiện và điều trị sớm, cho cả các bạn tình, là  rất cần thiết để kiểm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

 

Anh Khôi

Theo HealthDay