WHO: Biến thể Delta khiến các chùm ca bệnh nhanh chóng thành ổ dịch lớn
(Dân trí) - Trong 4 biến thể đáng lo ngại nhất của SARS-CoV-2, đại diện nguy hiểm nhất và ở vị thế thống trị toàn cầu hiện nay là Delta. Hiện biến thể này đã có mặt ở hơn 135 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong quá trình lây lan, virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi, nhiều biến thể mới xuất hiện khiến diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp với số lượng ca nhiễm mới tăng cao.
Delta là cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định danh cho biến thể virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ (trước đó được ký hiệu là B.1.617.2).
Nhiều nước tưởng chừng đã khống chế được dịch thì nay lại điêu đứng với làn sóng Covid-19 mới do chủng Delta gây ra.
Theo Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện đang là mối đe dọa hiện hữu. Delta đang thử thách năng lực của hệ thống y tế công cộng, thậm chí là những hệ thống vững mạnh nhất, trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
TS Takeshi Kasai phân tích: "Với khả năng lây truyền cao hơn, nghĩa là biến thể Delta sẽ khiến các chùm ca bệnh nhanh chóng bùng phát thành các ổ dịch lớn hơn, đặc biệt trong ba môi trường có nguy cơ cao: không gian kín, nơi đông người và nơi mọi người tiếp xúc gần. Chúng ta đã thấy nhiều hơn các chùm ca bệnh trong các gia đình. Một khi virus xâm nhập vào gia đình, sẽ có thêm nhiều thành viên trong gia đình bị mắc bệnh".
Theo chuyên gia này, đây chính là lý do vì sao các chính phủ trong khu vực đang áp dụng những hành động sớm và mạnh mẽ thông qua giãn cách xã hội và các biện pháp khác để hạn chế lây nhiễm và tránh gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá căng thẳng.
"Mỗi quốc gia cần tiếp tục thực hiện mọi biện pháp có thể để kiểm soát virus, đánh giá cẩn trọng và quản lý các nguy cơ trong từng bối cảnh. Điều đặc biệt quan trọng là đối với các quốc gia có ít hoặc không có ca nhiễm cần phải tiếp tục đề cao cảnh giác. Chúng ta đã thấy biến thể Delta có thể lây lan nhanh như thế nào và khó để ngăn chặn ra sao", TS Takeshi Kasai nhấn mạnh.