Vượt 200km trong đêm đưa bé gái đi cấp cứu vì… một hạt dưa
(Dân trí) - Bé gái 18 tháng tuổi bị ho sặc sụa, khó thở sau khi cầm hạt dưa cho vào miệng. Gia đình đã phải đưa bé vượt hơn 200km đến bệnh viện cấp cứu trong đêm.
Ngày 10/3, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị dị vật đường thở rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé gái T.N.T.N. (18 tháng tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) nhập cấp cứu trong tình trạng quấy khóc, khò khè, khó thở, ho nhiều.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó người nhà đã mang phần hạt dưa chưa sử dụng hết trong dịp Tết ra ăn. Trong lúc mọi người không để ý, bé đã cầm hạt dưa cho vào miệng, ngay lập tức cháu bị ho sặc sụa, khó thở. Người nhà tá hỏa vội đưa bé đi cấp cứu.
Trong đêm, bệnh nhi đã vượt hơn 200km từ Lâm Đồng đến TPHCM nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố với tâm lý hoảng loạn, quấy khóc. Các kết quả kiểm tra của bác sĩ cho thấy, dị vật nằm trong lòng phế quản bên phổi phải của bệnh nhi khiến bé đối mặt với nguy cơ biến chứng, viêm phổi, xẹp phổi, ứ khí tràn khí đường thở và màng phổi.
Để tránh nguy hiểm cho bệnh nhi, ngay trong đêm các bác sĩ chỉ định phương pháp nội soi gắp dị vật. Sau khi gây mê an toàn, ê kíp nội soi đã sử dụng những thiết bị y khoa chuyên dùng cho bệnh nhi, ống nội soi đã tiếp cận được vị trí hạt dưa bị kẹt trong lòng phế quản và gắp thành công dị vật ra ngoài. Sau can thiệp, bệnh nhi không bị tổn thương đường hô hấp, sức khỏe đã bình phục tốt.
Từ trường hợp trên, Tiến sĩ - Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô Hấp cảnh báo: "Tai nạn nuốt dị vật ở trẻ em rất phổ biến và nguy hiểm. Không chỉ hạt dưa, các loại hạt khác là hồng xiêm, hạt mãng cầu luôn tiềm ẩn rủi ro hóc sặc cho trẻ. Những hạt này trơn tuột rất khó gắp, nhiều hạt to chèn ép gây xẹp và ứ khí một bên phổi, chỉ còn một phổi thông khí nên rất khó kiểm soát, nhiều biến chứng viêm xẹp, tràn khí màng phổi, áp xe phổi kéo dài và dễ nguy kịch nếu để lâu không phát hiện".
Bác sĩ khuyến cáo, trẻ em trong giai đoạn bắt đầu biết bò và biết cầm nắm thường tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và bắt chước các hành động của người lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này trẻ chỉ có 3 bộ phận để cảm nhận và tương tác với môi trường xung quanh là tay, mắt và miệng, các bé chưa có tri giác nhận thức và ý thức về sự nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân.
Để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra, phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, sợ hãi… khi ăn vì nguy cơ hóc sặc rất cao. Mặt khác, phụ huynh không nên cho trẻ chơi các món đồ nhỏ vì trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở. Bên cạnh đó, phụ huynh nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt đậu (lạc) hạt trái cây, ngô (bắp) vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Cách sơ cứu khi trẻ nhỏ hóc dị vật
Mỗi người cần tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu để xử lý kịp thời trong tình huống khẩn nguy. Trường hợp trẻ nhỏ bị hóc sặc dị vật nhưng không thể khóc hoặc phát ra âm thanh chứng tỏ trẻ đã bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, không thể tự loại bỏ dị vật bằng cách ho, lúc này cần sơ cứu cho trẻ.
Người sơ cứu tuyệt đối không dùng tay móc miệng của trẻ để cố lấy dị vật vì ngón tay có thể vô tình đẩy dị vật chui vào họng trẻ sâu hơn, gây tổn thương họng hoặc kích thích gây co thắt thanh quản.
Cần đặt trẻ nằm sấp dọc theo cẳng tay, dùng gót bàn tay đập vào khoảng lưng giữa 2 xương vai 5 lần liên tục, chậm, chắc. Sau đó kiểm tra dị vật đã văng ra chưa, trẻ đã thông đường thở chưa, nếu đường thở đã thông, da của trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc lớn.
Nếu sau 5 lần đập lưng vẫn chưa thông đường thở, người sơ cứu cần đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng 2 ngón tay giữa, ấn thẳng 1 góc 90 độ vào giữa xương ức (xương to giữa ngực trẻ), mức ngang với đường nối 2 núm vú của trẻ. Thực hiện ấn 5 lần chậm, chắc. Tiếp tục kiểm tra trẻ xem đã loại bỏ dị vật ra chưa. Nếu thấy có dị vật tống ra, còn ở trong miệng, nên nhẹ nhàng dùng ngón tay út gạt dị vật ra ngoài.
Cần gọi cấp cứu ngay lập tức nếu không loại bỏ được dị vật ra khỏi đường thở của trẻ. Trong thời gian chờ cấp cứu, tiếp tục thực hiện 5 lần đập lưng, 5 lần ấn ngực xen kẽ cho tới khi trẻ khóc được hoặc đến khi xe cấp cứu đến. Nếu thấy trẻ bất tỉnh, lập tức phải thực hiện phương pháp hô hấp tim phổi nhân tạo.