1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vui chơi ngày nghỉ, ngừa tránh "trái tim ngày lễ"

(Dân trí) - Trái tim ngày lễ (holiday heart syndrome) là hội chứng nhịp tim bất thường xảy ra trong khi ăn uống, thưởng thức những ngày nghỉ ngơi.

Trái tim ngày lễ chính là những cơn loạn nhịp tim, chủ yếu là nhịp nhanh kịch phát trên thất và rung nhĩ, hậu quả của ngộ độc rượu, ăn quá nhiều, tình trạng stress…

Vui chơi ngày nghỉ, ngừa tránh "trái tim ngày lễ" - 1

Tổng quan hội chứng “trái tim ngày lễ”

Trái tim ngày lễ (holiday heart syndrome) là hội chứng nhịp tim bất thường xảy ra ở những người khỏe mạnh trong khi thưởng thức những ngày nghỉ ngơi. Nhịp tim bất thường có thể rất nghiêm trọng. Một số loạn nhịp tim nếu kết hợp với hội chứng tim kỳ nghỉ sau khi uống rượu có thể dẫn đến tử vong đột ngột, đây là lý do giải thích một số trường hợp tử vong đột ngột ở người nghiện rượu.

Hội chứng được Philip Ettinger và các đồng sự đặt tên năm 1978, qua khảo sát “Những rối loạn nhịp tim cấp tính hoặc những bất thường dẫn truyền thần kinh tim sau khi uống quá nhiều rượu trên những người không có tiền sử bệnh tim mạch". Khảo sát 32 dạng loạn nhịp tim khác nhau trên 24 bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong kỳ nghỉ với các triệu chứng đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, chóng mặt, đột quỵ…, nhóm nghiên cứu phát hiện: Đa số những trường hợp loạn nhịp tim này là nhịp nhanh kịch phát trên thất và rung nhĩ, và những loạn nhịp thường tự phục hồi sau khi kiêng từ sử dụng rượu. Hội chứng trái tim ngày lễ cũng có thể biểu hiện với tiểu nóng rát, tiểu đỏ màu máu như ở người bị sỏi thận.

Vui chơi ngày nghỉ, ngừa tránh "trái tim ngày lễ" - 2

Cần phân biệt với bệnh cơ tim do rượu (alcoholic cardiomyopathy) là bệnh lý dãn cơ tim ở những người nghiện, uống rượu nhiều, thường xuyên. Trên lâm sàng bệnh cơ tim do rượu cũng tương tự như bệnh cơ tim giãn nở tự phát khác, và là một dạng bệnh cơ tim giãn nở thứ phát quan trọng ở phương Tây.

Cơ chế gây bệnh

Hội chứng tim kỳ nghỉ thường là kết quả của nhiễm độc rượu, ăn quá nhiều, tình trạng stress….

* Nhiễm độc rượu

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rượu có độc tính với tim (cardiotoxic). Cũng như các bắp cơ trong cơ thể, cơ tim cũng chùng dãn, suy yếu rõ khi nhiễm độc rượu. Khi cơ tim yếu đi, áp lực lên tim tăng lên, các tâm nhĩ bị kéo dãn gây ra rung nhĩ.

Nhiễm độc rượu nặng cũng gây ra: (1) Cường thần kinh giao cảm, khiến nồng độ hóc-môn adrenalin trong cơ thể tăng cao, kích thích nhịp tim tăng lên; (2) Tăng nồng độ axit béo tự do trong máu; (3) Rối loạn điện tim qua việc thay đổi hoạt động của bơm natri ở màng tế bào cơ tim; (4) Rối loạn các chất điện giải như natri, kali và magiê trong cơ thể.

* Ăn quá nhiều

Một lượng lớn thức ăn (overeating) một lúc khiến dạ dày, ruột phải căng dãn ra để chứa. Sự căng dãn này sẽ kích hoạt dây thần kinh phó giao cảm tự động số X (vagal), dây thần kinh chính đảm trách chức năng tiêu hóa, ngủ và nghỉ ngơi (rest & digest system), khiến nhịp tim tổng quát bị chậm lại. Tuy nhiên, những người dễ bị rung nhĩ lại có các vùng cơ tim nhỏ trên tâm nhĩ lại bị kích động đập nhanh hơn gây ra loạn nhịp.

* Ăn thừa muối

Khi ăn nhiều muối, chúng sẽ giữ nước lại theo cơ chế “muối đâu nước đó” khiến thể tích máu tăng lên kéo theo sự tăng huyết áp. Ở những người có tiền sử cao huyết áp, bệnh van tim hoặc suy tim, sự gia tăng huyết áp và thể tích chất lỏng trong cơ thể sẽ làm giãn các buồng nhĩ và gây rung nhĩ.

* Tình trạng stress, trầm cảm

Nhiều khảo sát y học cho thấy tình tạng stress thần kinh, buồn phiền, trầm cảm làm gia tăng nguy cơ bị hội chứng ngày lễ nhiều hơn người thoải mái thư thả.

Cách xử trí “trái tim ngày lễ”

Đang vui chơi ngày nghỉ, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu về tim như hồi hộp, tức ngực, khó thở….nào, cần đến ngay bệnh viện gần nhất.

Thường với những trường hợp loạn nhịp nặng, bác sĩ sẽ cho sốc điện để tạo lại nhịp tim bình thường, sau đó cho thuốc trợ tim và ổn định huyết áp.

Vui chơi ngày nghỉ, ngừa tránh "trái tim ngày lễ" - 3

Làm sao ngừa tránh

Việc ngừa tránh hội chứng tim ngày nghỉ lễ đồng nghĩa với việc hạn chế các nguyên nhân hay nguy cơ gây bệnh.

Có thể ngừa tránh đễ dàng bằng ba động thái sau:

(1) Hạn chế, tránh uống bia rượu quá mức. Riêng những người có tiền sử rung nhĩ tuyệt đối không uống giọt nào,

(2) Tránh ăn quá nhiều, quá no, đặc biệt là nhiều chất béo, đồ chiên rán, Hạn chế thức ăn mặn, nhiều muối, lượng muối ăn cho người trung bình mỗi ngày xê xích gần khoảng 5 gam.

(3) Cần tránh bị ức chế, giải trầm cảm cho bản thân hay những người cùng tham gia vui chơi, nghỉ lễ với mình.

Đôi điều bàn luận

Hội chứng quả tim ngày lễ có tần suất rất cao trong những ngày lễ hội, tết nhất hơn các ngày thường. Quả tim ngày lễ liên hệ khắng khít với việc uống bia rượu quá nhiều và ăn thả cửa diễn ra trong các bữa tiệc.

Câu chuyện bia rượu khá dài, nhưng về y tế có hai lưu ý: một là mức độ nhiễm độc rượu. Theo nồng độ cồn trong máu (blood alcohol concentration BAC), y học phân ra 6 mức nhiễm độc rượu: Mức 1, Hưng phấn (0,03-0,12%); Mức 2, Kích động (0,09-0,25%); Mức 3, Lúng túng (0,18-0,30%); Mức 4, Lơ mơ (0,25-0,4%); Mức 5, Mất ý thức (0,35-0,50%); và Mức 6, Tử vong (> 0,50%). Dân gian thường ví von: Một xị: tiêu sầu; Hai xị: mũi chảy đầy râu; Ba xị: bạ đâu tè đó; Bốn xị: cho “chó ăn chè”; Năm xị: chẹt bẹt, chè bè và Sáu xị: gọi xe cấp cứu, và hai là đã có các nghiên cứu y học nghiêm túc cho thấy, uống bia rượu, đặc biệt là rượu vang đỏ, trong định mức cho phép ngoài tạo cảm giác ngon miệng, còn có tác dụng tốt cho tim mạch, thần kinh. Tóm lại, bia rượu cũng tốt cho sức khỏe nếu dùng trong định mức cho phép, và nếu dự lễ hội nên dừng lại ở giai đoạn 3, bạ đầu tè đó, là vừa.

Dù bệnh thường có thể tự khỏi trong khoảng 24 giờ. Nhưng cũng có trường hợp nặng, khởi phát đột ngột, nếu không xử lý đúng cũng có thể tử vong. Do đó, đang giữa buổi tiệc, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu về tim như hồi hộp, tức ngực, khó thở….cần dừng cuộc vui và đến ngay bệnh viện gần nhất.

TS.BS. Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm