Vừa "bình thường mới" ở TPHCM, nhiều người đã ngộ độc rượu methanol nặng
(Dân trí) - Chỉ trong tuần đầu tháng 10, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) đã cấp cứu hàng loạt ca ngộ độc methanol sau khi uống rượu mua ngoài tiệm tạp hóa.
Chiều 8/10, đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết, thời gian vừa qua nơi đây liên tục tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu methanol.
Điển hình là trường hợp của anh N.V. T. (58 tuổi, quê Vĩnh Long, sống ở TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Qua khai thác bệnh sử được biết, tối trước khi nhập viện, bệnh nhân có uống rượu đế mua gần nhà.
Đến 3h sáng hôm sau, bệnh nhân bắt đầu nói sảng, than chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ. Tại bệnh viện, bệnh nhân phải thở máy, lọc máu, kiểm soát các rối loạn toan kiềm và điều trị tích cực, tuy nhiên tiên lượng khá nặng.
Theo BS CKII Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chỉ trong tuần đầu tháng 10, khoa đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu. Tính riêng ngày 7/10, có 4 ca nhập viện vì ngộ độc methanol, chủ yếu ở huyện Bình Chánh. Các bệnh nhân đều có chung nguyên nhân ngộ độc là uống rượu mua tại những tiệm tạp hóa nhỏ.
Nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, rối loạn cân bằng nước, điện giải, suy gan thận, tăng đường huyết. Như trường hợp anh T., kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ methanol trong máu tăng rất cao (209,42mg/dl).
Một bệnh nhân khác là anh N.M.H. (31 tuổi, quê Bạc Liêu, sống ở TPHCM) thậm chí đã ngưng tim ngoại viện. Hiện tại, có ba ca ngộ độc methanol nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Ba trường hợp bệnh nặng đã xin về.
BS CKII Đặng Ngọc Kim Thanh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, ngộ độc methanol trong rượu do chất chuyển hóa của methanol là acid formic, gây rối loạn chuyển hóa và tổn thương nhiều cơ quan.
Triệu chứng thường xuất hiện sau khi bệnh nhân uống rượu có methanol là ban đầu tỉnh táo rồi mới bắt đầu nôn ói, nhức đầu, lơ mơ dần rồi hôn mê.
"Chúng tôi thường tiếp nhận bệnh nhân vào giờ thứ 24 đến 48 sau khi uống rượu. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân thường có triệu chứng ói mửa, nhức đầu dễ nhầm với say rượu" - BS Kim Thanh nói.
Theo Bộ Y tế, methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi… Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được phép dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Ngộ độc methanol có thể gây tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch, mù vĩnh viễn hoặc thậm chí mất mạng. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, nhất là các loại rượu bán ở những tiệm tạp hóa nhỏ thường chứa nhiều tạp chất độc hại.