Vụ tử vong nghi chuyển viện chậm: Tuyến dưới làm đúng quy trình!
(Dân trí) - Ngày 5/11, Sở Y tế tỉnh TT-Huế đã tổ chức họp báo về hoạt động ngành thời gian qua. Nhiều câu hỏi của báo chí đặt ra về trường hợp bệnh nhân Lê Thị Hoa sốt xuất huyết (SXH) bị tử vong nghi do tuyến dưới chuyển viện lên tuyến trên chậm.
Trước câu hỏi người nhà chị Hoa đã nhiều lần xin bác sĩ tại Trung tâm Y tế TP Huế chuyển lên BV tuyến trên nhưng không được, có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân bị suy kiệt rồi tử vong. BS Trần Quốc Hùng, GĐ Trung tâm Y tế TP Huế cho biết, người nhà chị Hoa có 2 lần gặp các bác sĩ xin chuyển viện.
“Lần đầu là một người tên Đỗ Bá Hiếu xin chuyển. Vì nhận thấy anh Hiếu không có quan hệ với nhà, như không phải là anh em của chị Hoa lẫn anh Linh (chồng chị Hoa), nên theo quy định không được theo ý kiến người này.
Lần thứ hai, anh Linh sau khi nói vợ ra máu nhiều, tôi có nói ở đây có trên 30 bệnh nhân ra máu nhiều vẫn đang điều trị tốt, vợ anh có thể điều trị được. Nếu anh Linh thích thì sẽ chuyển sang cấp cứu hồi sức hay lên tuyến trên. Chúng tôi chỉ tư vấn, giải thích chứ không bắt buộc người nhà phải theo mình. Sau đó anh Linh đã đồng ý ở lại. Chúng tôi nói anh ký vào giấy để xác nhận rồi anh ấy ký” , BS Hùng nói.
Theo thông báo số 1648/TB-SYT ngày 4/11 của Sở Y tế TT-Huế về trường hợp SXH của bệnh nhân (BN) Lê Thị Hoa điều trị tại BV TP Huế (thuộc Trung tâm Y tế TP Huế) ở phần nhận định chuyên môn, cho thấy: BN được chẩn đoán ngay từ khi vào viện là SXH đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Từ ngày vào viện 21/10 ghi nhận dấu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của BN là: bị sốt, nhiệt độ 38,7, nhức đầu nhiều, buồn nôn, đau cơ, nhức mỏi toàn thân, số lượng tiểu cầu qua các lần xét nghiệm bị giảm dần từ 126x109/l (21/10), 110x109/l (22/10) và còn 47x109/l (23/10).
Những ngày sau, đặc biệt từ ngày 24/10 trở về sau, BN còn có ghi nhận thêm các dấu chứng khác như: huyết động dao động từ 95-105/ 60-70mmHg; đau tức bụng vùng gan, vùng thượng vị; tiểu cầu tiếp tục giảm nhanh: 22x109/l (24/10), 20x109/l (25/10); có chảy máu chân răng, ra máu âm đạo; các xét nghiệm sinh hóa máu chưa có dấu hiệu suy đa phủ tạng; siêu âm bụng tổng quát cho thấy có dịch ổ bụng và góc gan-thận (7h sáng ngày 25/10).
BN đã được chẩn đoán là SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo/ Theo dõi SXH nặng (ngày 24/10) và sau là SXH nặng (25/10) theo các dấu hiệu diễn tiến của bệnh, là đúng theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế ban hành.
Công tác chăm sóc theo dõi, điều trị của BV TP Huế đã được thực hiện như: hạ sốt, giảm đau, nâng cao thể trạng, bồi phụ nước và điện giải (uống dung dịch ORS, truyền dung dịch đẳng trương Ringerlactat) khi được chẩn đoán SXH Dengue ngày 21,22,23/10; truyền dung dịch cao phân tử (Gelafusin) khi có chẩn đoán SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo/ Theo dõi SXH nặng ngày 24,25/10.
Đồng thời, đã hạn chế tình trạng xuất huyết chân răng, âm đạo bằng Adrenalin, Oxytoxin; Cho thở oxy khi có dấu hiệu khó thở; Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, tình trạng chảy máu và thực hiện công tác chăm sóc từ cấp II (ngày 21,22,23/10) sang cấp I (ngày 24,25/10) theo diễn tiến chẩn đoán của bệnh. Và đã chuyển bệnh lên tuyến trên khi được chẩn đoán SXH nặng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh TT-Huế, qua xem xét y lệnh điều trị của các BS và công tác chăm sóc của cán bộ điều dưỡng tại Phòng Khám bệnh cấp cứu Khoa Nội - Nhi Lây và Khoa Hồi sức – Cấp cứu – Chống độc tại BV TP Huế, cho thấy các y bác sĩ ở đây đã tích cực theo dõi, điều trị và chăm sóc BN theo đúng quy định của Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH Dengue.
Đồng thời sau khi BN chuyển lên BV Trung ương Huế, Ban giám đốc BV TP Huế đã quan tâm theo dõi, thăm hỏi tình hình sức khỏe BN, tham gia Hội chẩn liên viện và cùng phối hợp với BV Trung ương Huế trong việc điều trị hồi sức cho chị Hoa. Và cùng chính quyền địa phương thăm viếng, chia sẻ khó khăn cùng gia đình người bệnh.
“Qua báo cáo, chúng tôi khẳng định không có việc tắc trách hay chậm chuyển BN lên tuyến trên của y bác sĩ BV TP Huế. Hiện chúng tôi đang chờ thêm kết quả kiểm thảo tử vong của BV Trung ương Huế. Vì đám của chị Hoa mới đưa hôm qua, nên chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp xúc với gia đình BN và xem thẩm định của Sở một lần nữa. Nhưng trong thâm tâm tôi, có BN bị tử vong là một điều đau xót, cần phải suy nghĩ. Không phải lúc nào chúng tôi cũng cứu được. Có những vấn đề bệnh tử vong do tai biến, đôi lúc là tai nạn. Hãy cho tôi cúi đầu xin lỗi trước người nhà BN với nỗi đau không gì thay thế được”, PGS.TS. Nguyễn Dung nói.
Hiện Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng ban liên quan và BV TP Huế khẩn trương họp rút kinh nghiệm về chuyên môn vừa qua. Sở sẽ tổ chức các đoàn thẩm định chuyên môn sau khi có kết luận chuyên môn của BV Trung ương Huế về BN khi có yêu cầu để làm rõ hơn về quá trình chẩn đoán, điều trị và chăm sóc của BN.
Riêng con của chị Hoa – cháu Huỳnh Viết Minh Nhật cũng bị SXH nhưng bị các bác sĩ chẩn đoán là viêm ruột thừa chuẩn bị mổ. Nhưng may mắn do sốt nên tạm dừng mổ, sau sốt mới phát hiện là SXH nên không mổ nữa – như phản ánh của người nhà chị Hoa lên các báo. Sở Y tế TT-Huế cho biết khi có triệu chứng sốt cao – đau bụng thì chẩn đoán ruột thừa là tối ưu, vì nếu không nghĩ tới bệnh này mà bỏ sót thì sẽ mổ muộn, hay dẫn đến tử vong. Nên theo dõi theo ruột thừa là đúng chứ không phải sai.
Riêng việc mổ cháu, theo BV TP Huế thì BN được chuyển lên khoa Ngoại xong rồi chuyển xuống khoa Hồi sức chứ không có chuyện cháu lên bàn mổ rồi bị sốt nên tạm hoãn mổ. Việc sốt không phải là triệu chứng để không mổ. Ghi nhận tại đây cũng không có biên bản chuẩn bị mổ, hoàn toàn không có chuyện cho cháu lên mổ. Cho nên có thể người nhà cung cấp thông tin cho báo bị “lệch”. |
Đại Dương