1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ thai phụ tử vong khi nâng ngực: Nạn nhân từng nói không có thai?

(Dân trí) - Ngày 31/8, Sở Y tế TPHCM cho biết đã làm rõ nguyên nhân tử vong của thai phụ 22 tuổi khi tiến hành phẫu thuật nâng ngực. Theo đó, thai phụ này không hề biết mình có thai khi tiến hành phẫu thuật làm đẹp nên đã dẫn đến biến chứng khó lường, gây tử vong.

T. được bác sĩ Lê Tấn Hùng thực hiện phẫu thuật nâng ngực tại bệnh viện Vạn Hạnh. Thời điểm thực hiện thủ thuật làm đẹp, cả bệnh nhân và bác sĩ đều không biết cô đang mang thai.

Khoảng 10 ngày sau khi làm đẹp, bầu ngực cô gái trẻ bị chảy dịch, có biểu hiện sốc nhiễm trùng nên được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.

Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, vào ngày 29/8, Sở đã tiến hành họp hội đồng chuyên môn để xem xét nguyên nhân tử vong của bệnh nhân S.B.T. (22 tuổi) khi tiến hành phẫu thuật nâng ngực.

Hội đồng do PGS Lê Hành, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình - trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chủ trì.

Sau quá trình phân tích, hội đồng chuyên môn cho rằng nguyên nhân tử vong của sản phụ T. là do bùng phát cấp tính của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống tiền ẩm trên bệnh nhân có thai 17 tuần không đáp ứng điều trị. Yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính của bệnh Lupus đỏ hệ thống là do có thai, phẫu thuật, sử dụng kháng sinh.

Về sai sót trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (nơi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực), hội đồng xác định không có sai sót trong kỹ thuật đặt túi ngực. Tuy nhiên, sai sót của kíp thực hiện là đã không phát hiện bệnh nhân có thai.

Sản phụ T. trao đổi với bác sĩ mình không có thai trước khi phẫu thuật. (Ảnh FBNV)
Sản phụ T. trao đổi với bác sĩ mình không có thai trước khi phẫu thuật. (Ảnh FBNV)

Theo thông tin từ Sở Y tế, trong quá trình khai thác bệnh sử, khám thấy ngực bệnh nhân hơi căng nhưng khi bác sĩ hỏi thì bệnh nhân và người nhà khẳng định chị T. chưa có chồng, kinh nguyệt đều và sắp đến ngày có kinh nên bác sĩ đã loại trừ khả năng có thai.

Lý giải về vấn đề trên, bà Nguyễn Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho rằng: "Khi người dân đến tư vấn phẫu thuật thì người dân không phải là bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ sao thì bác sĩ sẽ ghi lại như vậy. Hiện, Sở cũng chưa nhận được phản hồi ngược lại của gia đình bệnh nhân. Do đó, tôi khuyến cáo người dân khi đi làm đẹp đang trong độ tuổi sinh sản cần phải trao đổi rõ ràng về vấn đề sức khoẻ với bác sĩ để chẩn đoán chính xác nhất".

Tuy vậy, hội đồng chuyên môn cho rằng, để đảm bảo sức khoẻ cho người làm phẫu thuật cần phải kiểm tra kỹ hơn.

“Về mặt chuyên môn, lời khai của người bệnh để bác sĩ tham khảo nhưng yêu cầu bác sĩ cần phải khám toàn diện người bệnh trước khi ra y lệnh điều trị", chuyên gia hội đồng đánh giá.

Qua kết luận của hội đồng chuyên môn., Sở Y tế TPHCM yêu cầu bệnh viện Vạn Hạnh cần rà soát lại quy trình liên quan đến tư vấn và thăm khám trước khi phẫu thuât. Đồng thời cần rút kinh nghiệm để tránh lặp lại những vấn đề đáng tiếc.

Liên quan đến trách nhiệm của bác sĩ Lê Tấn Hùng - người khám bệnh cho sản phụ T., Sở Y tế khẳng định về mặt chuyên môn bác sĩ Hùng không sai.

Bà Nguyễn Huỳnh Mai cho biết: “Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ của bác sĩ Hùng trên đường 3/2 (quận 10) hoạt động đúng phạm vi cho phép của Sở Y tế. Nếu bác sĩ Hùng tiến hành phẫu thuật tại đây thì sai hoàn toàn nhưng bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tại bệnh viện Vạn Hạnh, nơi bác sĩ Hùng được phép phẫu thuật thì hoàn toàn đúng quy trình. Về trình độ chuyên môn, bác sĩ Hùng cũng có đầy đủ các chứng nhận y khoa về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ”.

“Tuy vậy, về trách nhiệm liên quan khác, Thanh tra Sở đang tiến hành điều tra. Nếu sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó!", bà Mai khẳng định.

Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm