Vụ rao bán vắc xin: Những thủ đoạn kinh doanh trên sức khỏe con trẻ

(Dân trí) - Lợi dụng sự khan hiếm vắc xin dịch vụ, Công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn đã rao bán với giá cao gấp 3 lần so với thị trường. Thủ đoạn kinh doanh trên xương máu trẻ em xuất phát từ khủng hoảng niềm tin trong tiêm chủng của cộng đồng.

Rao bán trước thời điểm vắc xin dịch vụ được cung ứng

Ngành y tế khẳng định, vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đủ để đáp ứng nhu cầu chích ngừa cho trẻ em trên cả nước. Thời gian qua phần lớn những vụ việc liên quan đến phản ứng phụ, tai biến sau tiêm Quinvaxem dù được xác định là do bệnh lý nền đi kèm ở trẻ gây ra, nhưng phụ huynh có con nhỏ đều hoang mang, lo ngại cho sự an toàn của con em mình.

Quay lưng lại với vắc xin miễn phí, các ông bố, bà mẹ lao vào cuộc chạy đua, quay cuồng tìm kiếm nguồn vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 với khoản chi phí tiêu tốn trung bình từ 650.000 đồng đến 750.000 đồng để tiêm cho con. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vắc xin trên cung ứng cho thị trường liên tục bị cháy hàng, nhiều trẻ đến nay dù đã quá độ tuổi tiêm chủng, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nhưng vẫn đang chờ đợt nguồn vắc xin mới rót về.

Lợi dụng sự khủng hoảng niềm tin của cộng đồng đối với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mới đây tại TPHCM, Công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn đã rao bán vắc xin 5 trong 1 với giá lên tới 2.000.000 đồng cao gần gấp 3 lần so với giá thị trường khi có vắc xin dịch vụ. Phụ huynh muốn mua được vắc xin của công ty phải đặt cọc trước 500.000 đồng để “làm tin”. Công ty trên đã lợi dụng lỗ hổng của pháp luật khi mới chỉ quy định về mặt bằng giá thuốc, vắc xin đối với các bệnh viện chứ chưa có quy định cấm doanh nghiệp để đội giá sản phẩm lên cao.

Mặt khác, thời gian tiêm vắc xin cho trẻ được đơn vị trên hứa hẹn là từ ngày 5 đến ngày 10/1/2016 tại các cơ sở y tế có chức năng tiêm chủng. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện đã có khoảng 40.000 liều vắc xin dịch vụ được nhập về Việt Nam đang chờ kiểm định. Dự kiến, vào ngày 25/12, số vắc xin trên sẽ được phân phối cho các địa phương trên cả nước.

Theo phân tích của một giám đốc một bệnh viện tại TPHCM thì: “Việc rao bán trước thời điểm vắc xin dịch vụ được Bộ Y tế cung ứng trên cả nước nhưng lại tổ chức chích ngừa sau thời điểm cung ứng rõ ràng là thủ đoạn của Công ty Cổ phần Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn. Họ đã đánh trúng vào tâm lý và nhu cầu của các phụ huynh để trục lợi trên xương máu con trẻ nhờ mức giá chênh lệch lớn. Nếu chờ đến khi vắc xin dịch vụ có mặt trên thị trường thì họ sẽ không thể bán được với mức giá trên. Bộ Y tế cần làm rõ nguồn vắc xin họ rao bán có hợp pháp không, hay đó sẽ là lô hàng được tuồn ra ngoài từ số lượng khoảng 40.000 liều vừa được Bộ Y tế cho phép nhập về.”

Lo ngại có nguồn vắc xin xách tay, trôi nổi

Để kịp thời gian tiêm chủng cho con, thời gian qua không ít phụ huynh đã bất chấp sự tốn kém, đưa trẻ ra nước ngoài chích ngừa. Tuy nhiên, tại TPHCM vẫn có gia đình chích ngừa được các loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 cho con em mình từ nguồn vắc xin xách tay của những người đi nước ngoài về hoặc vắc xin trôi nổi trên thị trường. Việc chích ngừa được “nhờ vả” tại các cơ sở y tế hoặc gọi y bác sĩ đến chích tại nhà.

Hoạt động kinh doanh vắc xin trái phép của công ty Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn đã bị phát hiện xử lý
Hoạt động kinh doanh vắc xin trái phép của công ty Vật tư Tiêu hao Y tế Sài Gòn đã bị phát hiện xử lý

Trao đổi với phóng viên, chiều ngày 16/12 ông Bùi Minh Trang, Chánh thanh tra Sở Y tế đã xác nhận thông tin trên. Ông Trạng cho biết: “Chúng tôi nghe râm ran trong dư luận về việc vẫn có nguồn vắc xin với giá cao để chích ngừa cho trẻ. Nhưng theo quy định của pháp luật, vắc xin là mặt hàng bị nghiêm cấm bán trên thị trường nếu chưa được cấp phép và việc chích ngừa chỉ được thực hiện tại các cơ sở đủ tiêu chuẩn. Sở Y tế đã vào cuộc tìm hiểu những vụ việc liên quan, song khi gặp trực tiếp người đã nhận được vắc xin thì họ không cung cấp thông tin vì sợ bị ảnh hưởng.”

Sở Y tế đã có chủ trương kiểm tra việc nhập khẩu, cung ứng vắc xin của các công ty liên quan trên địa bàn thành phố để kiểm tra việc nhập khẩu về có sử dụng hết không hay một số đơn vị, cá nhân giữ lại vắc xin để làm ngoại giao hoặc cố tình nâng giá. Qua thông tin từ các công ty, số vắc xin nhập về đều đã được sử dụng hết.

Ông Bùi Minh Trạng chia sẻ: “Chúng tôi lo ngại có thể có nguồn vắc xách tay từ nước ngoài về Việt Nam. Điều này rất nguy hiểm bởi vắc xin là loại cần được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ thích hợp, chỉ cần nhiệt độ thay đổi nó sẽ bị biến đổi chất lượng, có thể gây ra tác hại cho người bệnh.

Nhu cầu vắc xin của trẻ là thực tế và đòi hỏi về sự an toàn trong tiêm chủng cũng là vấn đề chính đáng. Song việc bất chấp để có vắc xin bằng mọi giá thì cộng đồng cần xem xét lại bởi việc bảo quản và chủng ngừa nếu không thực hiện theo đúng quy trình thì mong muốn điều tốt của cha mẹ cho con trẻ sẽ vô tình gây ra hậu quả khó lường.”

Vân Sơn