1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đắk Lắk:

Vụ nữ sinh bị cưa chân: Tạm đình chỉ công tác của bác sĩ trực tiếp bó bột

(Dân trí) - Ngày 15/3, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã tạm đình chỉ công tác chuyên môn đối với bác sĩ trực tiếp bó bột cho nữ sinh Lê Thị Hà Vi.

Theo ông Tâm, bác sĩ trực và điều trị bó bột cho bệnh nhân Vi đầu tiên là bác sĩ Y Tâm. Phía bệnh viện cũng đã yêu cầu bác sĩ này viết bản tường trình về vụ việc. Lý do được đưa ra là do công việc quá nhiều và áp lực trong công việc dẫn đến sự việc đáng tiếc. “Bệnh viện đã tạm đình chỉ công tác chuyên môn đối với bác sĩ Y Tâm và gửi báo cáo lên Sở Y tế Đắk Lắk chờ ý kiến chỉ đạo”, ông Tâm cho hay.

Em Vi trước khi bị tai nạn
Em Vi trước khi bị tai nạn
Cô nữ sinh lớp 10 đau đớn khi mất đi một phần thân thể vì lỗi của bác sĩ
Cô nữ sinh lớp 10 đau đớn khi mất đi một phần thân thể vì lỗi của bác sĩ

Trao đổi với PV Dân trí, chị Lê Thị Thùy Trang (chị gái của Vi), cho biết nguyên nhân gia đình cho rằng việc chân của em Vi bị hoại tử là do các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đã bó bột sai và không chịu tháo ngay lúc gia đình yêu cầu dẫn đến tắc mạch máu.

“Khi em tôi nằm viện, vết thương ở đầu gối chân phải cũng không được các bác sĩ cho mổ ngay mà họ cứ trả lời bao giờ vết bỏng ở chân xẹp mới tiến hành mổ và cũng không quan tâm đến tình trạng của em. Đến khi gia đình tôi không chịu được nữa, có những phản ứng dữ dội thì lúc này họ mới cho em tôi được chuyển viện. Vì cách làm việc tắc trách này đã dẫn đến việc hoại tử và phải cưa bỏ chân của em gái tôi”, chị Trang bức xúc nói.

Cô Lý Thị Bích Quyên, Giáo viên chủ nhiệm lớp em Vi, cho biết: Trong lớp Vi là một học sinh rất ngoan ngoãn, học giỏi và thường xuyên tham gia hoạt động văn nghệ của trường. Vừa qua, Vi vừa đại diện cho nhà trường đi thi học sinh giỏi môn Địa lý.

“Khi biết tin em bị tai nạn và phải cưa bỏ đi phần chân, tôi đã rất sốc. Tôi có gặp em để động viên, chia sẻ mong em vượt qua được nỗi đau này. Em cũng nói mong sớm được xuất viện để về với lớp. Em rất mong được tiếp tục đến trường học tập. Nhìn em mà tôi không cầm được nước mắt.

Tôi mong các y bác sĩ khi làm việc cần phải có lương tâm, trách nhiệm để không một ai phải chịu thêm những đau đớn như vậy nữa”, cô Quyên nói trong nước mắt.

Trước đó, vào ngày 6/3, em Lê Thị Hà Vi bị tai nạn giao thông gây vỡ mâm chày chân phải và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin để chữa trị. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành bó bột cho em Vi và cho nằm tại viện để điều trị. Tuy nhiên, sau khi bó chân, em Vi liên tục kêu đau đớn vì bó quá chặt và xin được tháo bột nhưng các bác sĩ không cho tháo. Đến ngày 8/3, gia đình tiếp tục xin thì lúc này em Vi mới được tháo bột. Ở chân của Vi cũng xuất hiện mủ và nhiều vết phồng rộp lớn nhưng các bác sĩ bảo nhẹ để nằm theo dõi thêm.

Đến ngày 11/3, gia đình xin xuất viện cho Vi lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk thì được kết luận chân của em Vi bị hoại tử cơ. Gia đình quá lo lắng nên lập tức đưa em Vi xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị. Tại đây em Vi buộc phải cưa bỏ gần hết chân phải để tránh vết thương hoại tử ở chân lan dần qua các bộ phận khác.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm