1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ nổ bóng bay trong lễ khai giảng: Bóng bơm khí dễ phát nổ, gây bỏng rộng

Tú Anh

(Dân trí) - Các chuyên gia cho biết, nguy cơ cháy nổ, bỏng từ bóng bay là rất lớn. Bỏng do nổ bóng bay thường không gây bỏng sâu, nhưng lại gây bỏng rộng vùng mặt, tay, cổ…

Không phải hiếm gặp

Vụ nổ bóng bay xảy ra sáng 5/9 tại buổi lễ khai giảng ở Trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trong buổi lễ khai giảng năm học mới, chùm bóng bay được thả lên sau buổi lễ đã bất ngờ phát nổ khiến 7 học sinh bị bỏng ở tay.

Vụ nổ bóng bay trong lễ khai giảng: Bóng bơm khí dễ phát nổ, gây bỏng rộng - 1

Học sinh bị bỏng sau sự cố nổ bóng bay (Ảnh: Nguyễn Giang).

Theo các chuyên gia, bóng bay phát nổ gây bỏng, thương tích cho nhiều người không phải là hiếm gặp, mà rất phổ biến.

Trước đó vài năm, ngay tại Hà Nội đã từng xảy ra vụ nổ chùm bóng bay trang trí trong tiệc sinh nhật khiến nhiều người bị bỏng.

Sự việc xảy ra khi gia đình tổ chức sinh nhật cho người bà 70 tuổi. Gia đình đã mua chùm bóng kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ lồng trong nhau để trang trí.

Sau bữa tiệc sinh nhật, mọi người gom bóng lại để mang về cho trẻ em chơi. Khi một vài người đang gỡ chùm bóng ra khỏi túi bóng thì bóng bay phát nổ, cháy trùm lên mặt, tay của người đang gỡ bóng.

Có trường hợp tai nạn nổ bóng xảy ra khi người dùng đưa chùm bóng từ sảnh chính vào một phòng nhỏ không có cửa sổ, nóng hơn phòng ở ngoài sảnh chính. Khi vừa được đưa qua cửa, chùm bóng phát nổ, khiến người cầm bóng bị cháy xém tóc, mặt và tay.

BS Nguyễn Thống, nguyên Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn) cho biết, tai nạn bỏng do nổ bóng bay không phải hiếm gặp, nên ông không khuyến khích mọi người chơi với bóng bơm khí, đặc biệt là trẻ em.

Ảnh hưởng đến thẩm mỹ

Bóng bơm khí không chỉ có nguy cơ nổ khi gần lửa, mà việc cọ xát giữa những trái bóng trong một chùm bóng to cũng có thể gây nổ. Khi thay đổi môi trường, như lấy bóng từ túi đựng ra; cho bóng vào phòng kín, ô tô… khả năng gây nổ với áp lực mạnh đều có thể xảy ra.

Bỏng do nổ bóng bay thường không gây bỏng sâu, nhưng lại gây bỏng rộng vùng mặt, tay, cổ… ảnh hưởng đến thẩm mỹ, để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, chỗ đen, chỗ thâm, chỗ trắng loang lổ. Cũng có những bệnh nhân cơ địa sẹo lồi, bỏng sâu gây sẹo lồi co dính.

Vụ nổ bóng bay trong lễ khai giảng: Bóng bơm khí dễ phát nổ, gây bỏng rộng - 2

Một trường hợp bỏng do nổ bóng bay (Ảnh: H.Hải).

"Việc biến đổi sắc tố da sau bỏng rất lâu bình phục ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nặng nề. Người bệnh phải tránh nắng tuyệt đối; bôi thuốc, kem chống nắng khi đi ra đường trong khoảng thời gian rất dài", BS Thống nói.

Vì thế, chuyên gia không khuyến khích cho trẻ em chơi bóng bay bơm khí. Khi sử dụng để trang trí cần thận trọng, nên sử dụng lượng nhỏ để nếu không may xảy ra cọ sát, nổ sẽ không gây tác động mạnh.

Người dùng cũng không nên đưa bóng bay bơm khí vào ô tô, thang máy, phòng kín, nhiệt độ phòng nóng, cần giữ bóng tránh xa lửa phòng cháy nổ nguy hiểm.