Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm: Cần làm rõ cả trách nhiệm của bác sĩ

Hậu quả của việc “nhân bản” là cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến chết người nưng vấn đề đặt ra là, tại sao những kết quả xét nghiệm máu trái hẳn với chẩn đoán lâm sàng nhưng vẫn được các bác sĩ chấp nhận?

Vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm: Cần làm rõ cả trách nhiệm của bác sĩ


 

 

Dù chúng tôi chưa có thời gian để tìm tất cả những nạn nhân của hành động này, nhưng khi tới nhà của 3 bệnh nhân, đã thấy rõ hơn sự nhẫn tâm của một số cán bộ, nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Hai cháu bé Phạm Tuấn Đạt (3 tuổi - Lưu Xá, Đức Giang, Hoài Đức) và Nguyễn Đức Khải (11 tháng tuổi - thôn Nội, Đức Thượng, Hoài Đức) đều thuộc diện phải nằm viện, nhưng bị “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu từ một bệnh nhân 40 tuổi - anh Nguyễn Công Thụ - bị bệnh động kinh thì quá hãi hùng.

 

Còn phiếu xét nghiệm của bệnh nhân Thụ thì không có mảnh giấy nhỏ (kết quả xét nghiệm) đính kèm như các phiếu xét nghiệm khác, mà được KTV ghi nguệch ngoạc trực tiếp mấy con số vào ngay phiếu xét nghiệm. Đặc biệt, những con số này khác hẳn những con số trong phiếu xét nghiệm cũng của anh Thụ (cùng ngày khám bệnh) mà KTV Hoàng Thị Nguyệt đang có trong tay (không biết có bao nhiêu bệnh nhân rơi vào tình trạng này). Như vậy, chính bệnh nhân Thụ cũng không được dùng kết quả xét nghiệm máu của mình, mà chỉ là những con số… ma. Và mọi thứ vẫn OK.

 

Rất may, 3 bệnh nhân chúng tôi đến thăm vẫn khỏe mạnh. Nhưng, không thể không đặt câu hỏi ra ở đây: Trong quá trình điều trị cả chục ngày cho hai cháu bé, các bác sĩ có dựa vào kết quả xét nghiệm rởm này để điều trị cho các cháu ? Câu hỏi này được đặt ra vì, nếu dùng kết quả xét nghiệm máu của người bị bệnh động kinh, liệu các cháu có thể khỏi được bệnh. Phải chăng, cứ tống kháng sinh vào, bệnh nào rồi cũng thuyên giảm, dù phải điều trị lâu ngày hơn, cơ thể mệt mỏi hơn và lượng tồn dư kháng sinh không cần thiết cho bệnh nhân đang âm thầm gặm nhấm họ.

 

Tương tự, 4 bệnh nhân khác xa nhau về lứa tuổi (70, 61, 27 và 12), về bệnh án (lao phổi, ápxe cạnh hậu môn, viêm phế quản, viêm ruột thừa), nhưng lại chung một kết quả xét nghiệm. Dù không có chuyên môn, mỗi người đều có thể biết các kết quả này chắc chắn là rất khác nhau. Như GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện Trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ đã phân tích, chỉ riêng chỉ số bạch cầu của trẻ nhỏ có sự khác biệt rất nhiều với người lớn. Mà chỉ số này rất quan trọng cho việc chẩn đoán bệnh, trong đó có cả việc bác sĩ có quyết định mổ hay không mổ.

 

Chắc chắn chẩn đoán lâm sàng ban đầu của bác sĩ với kết quả xét nghiệm bị “nhân bản” khó có sự tương đồng. Nhưng thực tế, có được bao nhiêu phần trăm các kết quả xét nghiệm này được các bác sĩ ở đây đề nghị làm lại? Điều này chưa được ai kiểm đếm. Còn nếu không, tại sao các bác sĩ không phát hiện ra những kết quả xét nghiệm bị “nhân bản” này ? Do đó, chỉ có các khả năng, hoặc các bác sĩ trình độ rất hạn chế hay quá quan liêu, hoặc đã biết phần nào câu chuyện “nhân bản” của bệnh viện mình nên… buông (!?).

 

Do đó, ngoài vấn đề lương tâm của những KTV xét nghiệm, người chỉ đạo các KTV làm “nhân bản”, thì câu hỏi về trách nhiệm của bác sĩ ở bệnh viện này không thể không đặt ra trước công luận.

 

Theo Vương Hà

Lao động