“Nhân bản” kết quả xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân!

Bất chấp hậu quả khôn lường cho bệnh nhân, một phiếu xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được khoa Xét nghiệm “nhân bản” để dùng luôn cho 2-5 bệnh nhân (!).

Thậm chí, họ nhẫn tâm tới mức lấy một phiếu xét nghiệm dùng chung cho các bệnh: Bệnh lao phổi, ápxe cạnh hậu môn, viêm ruột thừa...

“Nhân bản” kết quả xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân!
Nhiều tài liệu chứng minh việc làm liều lĩnh ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã được Công an Hà Nội thu thập.

Từ tháng 7.2012 tới tháng 5.2013, đã có trên 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản” như vậy tại BV Đa khoa Hoài Đức.

Sự “liều lĩnh” của phòng xét nghiệm

Ngồi trước bản thống kê với hơn 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học được dùng  cho ít nhất 2.000 bệnh nhân (trung bình một kết quả phiếu xét nghiệm được sử dụng cho 2-5 bệnh nhân), chúng tôi không khỏi giật mình vì sự liều lĩnh của phòng Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. 

Đọc kỹ hồ sơ, chúng tôi càng choáng, bởi lẽ, nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, về lứa tuổi, nhưng đều được dùng chung một kết quả xét nghiệm.

Thí dụ, một kết quả xét  nghiệm huyết học vào hồi 9h3 phút ngày 19.2.2013 được dùng cho 4 bệnh nhân: Nguyễn Thị Nguyên - 70 tuổi, chẩn đoán lao phổi; Nguyễn Trung Nghĩa - 27 tuổi, chẩn đoán ápxe cạnh hậu môn; Lý Thị Vân - 61 tuổi, chẩn đoán viêm phế quản của người bệnh cao huyết áp đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu và cháu Lương Kiều Trang - 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột thừa.

Với cách làm này, hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân như thế nào ai cũng có thể hình dung được!

Câu hỏi đặt ra là tại sao một số kỹ thuật viên ở khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức dám làm như vậy, liệu có ai ''bật đèn xanh'' cho hành động này? 

Sáng 2.8, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo bệnh viện: Ông Nguyễn Trí Liêm - giám đốc, bà Nguyễn Thị Nhiên - phó giám đốc; tuy nhiên, cả hai vị lãnh đạo này đều lảng tránh câu trả lời hoặc nói không nắm chắc.

Ngụy biện để chối bỏ trách nhiệm?

Với bà Vương Kim Thành - Trưởng khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức - khi chúng tôi hỏi về kết  quả xét nghiệm của các bệnh nhân trùng từ phút, giờ, ngày tháng và kết quả, bà Thành cho rằng, các kết quả bị trùng nhau này có thể bị những người tố cáo dán đè, sửa chữa và photocopy lại. Nhưng khi chúng tôi đưa ra quyển sổ theo dõi kết quả xét nghiệm huyết học (chứ không phải những hồ sơ riêng lẻ nữa) để chứng minh lần nữa sự trùng nhau, bà Thành không cần liếc qua mà nói ngay: Đây là quyển photocopy nên cũng có thể bị sửa chữa.

Để tiếp tục làm rõ trắng đen, chúng tôi cũng có trong tay quyển sổ gốc, kết quả cho thấy: Không có chuyện tẩy xóa, sửa đổi và việc vài bệnh nhân có chung một kết quả xét nghiệm là có thật.

Bà Thành thừa nhận, trong một số ít trường hợp có sử dụng kết quả của người này dùng cho người khác. Đó là những trường hợp là người quen, cần phiếu khám sức khỏe nhanh nên linh hoạt giải quyết. Nhưng qua hồ sơ thì cho thấy một sự thật đáng sợ hơn nhiều.

Chỉ lướt qua trong tháng 8.2012, có những kết quả xét nghiệm được dùng chung cho những người khác xa nhau về tuổi: Đó là trường hợp của bà Lương Thị Máng (64 tuổi, ở xã Song Phương) và cháu Nguyễn Quảng (6 tuổi, Lại Yên); cháu Nguyễn Ngọc Diệu (11 tháng tuổi, Tiền Yên) và ông Nguyễn Trí Mạng (66 tuổi, Song Phương); cụ Phạm Sáu (82 tuổi, Cát Quế) và cháu Vương Anh (4 tháng tuổi, Di Trạch); cụ Nguyễn Châu (80 tuổi, Song Phương) và cháu Nguyễn Trang (22 tháng tuổi, Đức Thượng)...

Không hiểu, những kết quả xét nghiệm của những cụ già được dùng cho các cháu bé hoặc mẫu máu của bệnh ngoại khoa dùng cho nội khoa thì các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh ra sao?
   
ThS-BS Ngô Mạnh Quân - Trưởng khoa Vận động và Tổ chức huyết học, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ:

Với mục đích kiểm tra sức khỏe, cùng với xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu là những cơ sở căn bản đầu tiên đánh giá tình trạng sức khỏe con người.

Đối với bác sĩ, tùy theo mức độ chuyên sâu của xét nghiệm máu, có thể chẩn đoán rất nhiều bệnh, ví dụ như HIV/AIDS, viêm gan B, C, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ... Xét nghiệm công thức máu cho biết về nhóm máu, hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu... có bình thường hay không ?

Nếu bất thường thì có thể là: Thiếu máu do thiếu một số chất, hoặc do bệnh ung thư máu, suy tủy, bệnh huyết tán... Nếu tiểu cầu bất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình đông máu, nếu bạch cầu tăng cao thì cơ thể đang bị viêm nhiễm...

Vì thế, xét nghiệm máu là của riêng từng người, phản ánh tình trạng sức khỏe của họ trong thời điểm  đó. Với một người, ở các thời điểm khác nhau, các chỉ số có thể thay đổi theo diễn biến sức khỏe của họ. Vì thế, lấy kết quả xét nghiệm máu của người này dùng cho nhiều người là việc không thể chấp nhận được.   
Ng.H
 
Theo Vương Hà
Lao Động