1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ mẹ ném con từ lầu 5 xuống đất: Trầm cảm sau sinh đáng sợ thế nào?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, về yếu tố sinh học, người phụ nữ sau sinh có nhiều thay đổi, xáo trộn về nội tiết tố trong cơ thể.

Mới đây, vụ việc một người mẹ ở Long An bất ngờ ném con trai gần 2 tháng tuổi từ tầng 5 của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) xuống đất, khiến cháu bé tử vong, đã gây xôn xao dư luận. Theo kết quả điều tra ban đầu của công an, người mẹ có dấu hiệu trầm cảm.

Trong khi đó, khi chia sẻ với bác sĩ, người mẹ cho biết vì con bệnh nặng, thường xuyên quấy khóc và không có tiền điều trị nên chị lâm vào stress, mệt mỏi. Bản thân người mẹ cũng không biết vì sao lại tự sát hại con ruột.

Đây chỉ là một trong rất nhiều bi kịch gia đình xảy ra trong thời gian gần đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.

Vụ mẹ ném con từ lầu 5 xuống đất: Trầm cảm sau sinh đáng sợ thế nào? - 1

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nơi xảy ra sự việc bé trai 2 tháng tuổi bị mẹ ném từ tầng cao xuống đất (Ảnh: Hoàng Lê).

Trầm cảm sau sinh "tấn công" cả mẹ lẫn con

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, sau khi sinh, sản phụ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề. Trong đó, những yếu tố bất lợi về sức khỏe tinh thần có thể tác động tiêu cực đến đứa trẻ và chính người mẹ.

Chuyên gia phân tích, phụ nữ sau sinh 2-3 tháng đã được ghi nhận có tình trạng trầm buồn thoáng qua. Thông thường, tình trạng này sẽ nhanh chóng chấm dứt, nhưng cũng có những trường hợp kéo dài trên 2 tuần. Lúc này, phải cân nhắc suy nghĩ đến vấn đề trầm cảm.

Nhiều thống kê trên thế giới chỉ ra, khoảng 10% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, và khoảng 0,1-0,2% phụ nữ gặp vấn đề nặng nề hơn, đó là loạn thần sau sinh. Lúc này, người mẹ sẽ xuất hiện những suy nghĩ hoang tưởng, xuất hiện ảo thanh, ảo giác trong quá trình chăm sóc con. Sản phụ sẽ có cảm xúc buồn rầu, chán nản, mất hứng thú, thấy không xứng đáng được sống.

Một vấn đề nguy hiểm khác ít được chú ý là tình trạng rối loạn lo âu sau sinh. Cụ thể, sản phụ sẽ có những suy nghĩ ám ảnh, hành vi cưỡng chế, cho rằng mình không phải người mẹ tốt, không chăm sóc con tốt. Họ rất sợ con bị nhiễm trùng, bệnh lý… dẫn đến những hành vi như tắm rửa, vệ sinh, đo nhiệt độ, lặp đi lặp lại việc kiểm tra sức khỏe cho con một cách quá mức cần thiết.

Vụ mẹ ném con từ lầu 5 xuống đất: Trầm cảm sau sinh đáng sợ thế nào? - 2

Trầm cảm sau sinh có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả bà mẹ và đứa trẻ (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Lê Duy, chuyên gia về stress và rối loạn giấc ngủ cho rằng, trầm cảm sau sinh cũng gây ra tác động tiêu cực đến đứa trẻ. Nhiều người mẹ có hiện tượng đẩy con ra, chối bỏ con, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tình cảm, hình thành nhân cách của bé. Mẹ có sức khỏe kém thì cũng chăm sóc con kém hơn.

Tâm lý của mẹ cũng tương tác đến tâm lý của bé. Đứa trẻ sẽ quấy khóc, phản ứng nhiều và khó dỗ hơn. Khi con càng khó chăm sóc thì mẹ càng stress, càng trầm cảm. Cứ vậy, vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại khiến tình trạng càng thêm nặng nề, cuối cùng có thể dẫn đến hành vi giết con rồi tự sát.

Vì sao bà mẹ bị trầm cảm sau sinh?

Chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện nhận định, có nhiều yếu tố tác động đến việc xuất hiện trầm cảm sau sinh.

Xét về yếu tố sinh học, sau sinh người phụ nữ có nhiều thay đổi, xáo trộn về nội tiết tố trong cơ thể. Về mặt tâm lý xã hội, khi người phụ nữ chưa có kinh nghiệm làm mẹ, bị bỡ ngỡ và gặp khó khăn, không biết cách ứng phó với những căng thẳng sau sinh.

Với người đã sinh nhiều lần, thực tế điều trị cho thấy có những trường hợp các con sau có những vấn đề về sức khỏe, tính tình hơi khó chịu so với con đầu tiên, cũng làm người mẹ dễ rơi vào trầm cảm.

Vụ mẹ ném con từ lầu 5 xuống đất: Trầm cảm sau sinh đáng sợ thế nào? - 3

Tâm lý của mẹ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và đến tâm lý của con (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Ngoài ra, trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, nhất là ở thành phố, những gia đình hiện đại không có hạt nhân là ông bà, không có sự trợ giúp của thế hệ đi trước. Bố phải đi làm, mẹ phải một mình chống chọi với việc chăm sóc con liên tục, hứng chịu việc con quấy khóc…

Các chuyên gia khẳng định, trầm cảm sau sinh có thể "tấn công" mọi phụ nữ dù cho là người có tính cách mạnh mẽ. Do đó, cần biết cách nhận diện những dấu hiệu của việc trầm cảm sau sinh. Về mặt hình thức, phụ nữ trầm cảm sẽ có biểu hiện buồn rầu, mất hứng thú kéo dài, cảm thấy bản thân bị bỏ rơi.

Họ sẽ có những hành vi như khóc, thu mình lại không tương tác với mọi người, thói quen ăn uống thay đổi. Ngoài ra, còn có biểu hiện bằng những triệu chứng trên cơ thể như nhức mỏi, thường xuyên đau bụng, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ...

Vụ mẹ ném con từ lầu 5 xuống đất: Trầm cảm sau sinh đáng sợ thế nào? - 4

Chuyên gia khuyến cáo mọi người cần chủ động hỏi han, quan tâm để can thiệp kịp thời nếu thấy sản phụ có dấu hiệu trầm cảm (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chúng ta nếu thấy một phụ nữ nghi ngờ bị trầm cảm sau sinh, hãy hỏi họ có từng mang ý tưởng làm hại đứa bé hay không.

Nếu được trả lời là có thì phải báo cho gia đình, tìm cách can thiệp ngay lập tức, đưa bà mẹ đến bệnh viện điều trị" - chuyên gia khuyến cáo.

Có nên tách con khỏi người mẹ trầm cảm?

Để can thiệp, hỗ trợ cho bà mẹ trầm cảm sau sinh, chuyên gia tâm lý cho rằng cần có những tác động theo mô hình tâm - sinh - xã (tâm lý - sinh lý - xã hội).

Các mẹ cần có những hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, được phụ giúp chăm sóc con. Vai trò của người chồng, mẹ chồng và người thân rất quan trọng. Gia đình hãy khuyến khích mẹ nói lên hết cảm xúc, khó khăn của mình. Không chỉ ca tụng, khoác lên họ "thiên chức" làm mẹ tuyệt vời mà cần phải có các hành động cụ thể trợ giúp họ.

Vụ mẹ ném con từ lầu 5 xuống đất: Trầm cảm sau sinh đáng sợ thế nào? - 5

Vai trò của người chồng rất quan trọng với sản phụ mới sinh (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Về góc độ sinh lý, khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh nặng, gia đình không nên theo dõi tại nhà mà cần đưa đến các cơ sở y tế để được "sơ cứu tâm lý". Sau đó, tùy tình trạng bệnh mà chuyển đến nơi có chuyên khoa tâm thần, dùng thuốc để hỗ trợ họ trong giai đoạn này.

Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh, không nên tách đứa trẻ ra khỏi mẹ khi sản phụ đang gặp căng thẳng. Bởi việc tách rời con khỏi mẹ sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống tâm trí của trẻ, làm mẹ có cảm giác bị mất con, cách xa con. Thay vào đó hãy phụ người mẹ chăm sóc bé.

Chỉ khi mẹ có biểu hiện cực đoan, loạn thần tự phát thì mới tạm thời cho con cách xa khỏi mẹ. Khi đã can thiệp ổn hơn, cần mang đứa trẻ trở lại để hai mẹ con có sự gắn bó.

Về phía xã hội, cần có sự đầu tư, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho sản phụ.